Ở Afghanistan, Taliban đã nắm quyền nhưng chưa thành lập chính thể và chính quyền mới trong khi Mỹ và đồng minh tiếp tục việc khẩn cấp di tản nhân viên ngoại giao, công dân của họ và những người Afghanistan đã làm việc cho họ trong thời gian 20 năm chiến tranh vừa qua ra khỏi Afghanistan.
Thời điểm ngày 31/8 là dấu mốc đầu tiên về mối quan hệ mới giữa Taliban và các nước này. Đấy là ngày mà tổng thống Mỹ Joe Biden ấn định cho việc hoàn tất quá trình rút hết binh lính Mỹ ra khỏi Afghanistan. Taliban mong chờ thời điểm ấy từ 20 năm nay và vì thế hoàn toàn không có thiện chí sẵn sàng đáp ứng đề nghị của nhiều nước phương Tây về kéo dài thời gian tiến hành cuộc di tản đến thời điểm nào đấy sau ngày 31/8. Cho nên Taliban sẽ ứng xử như thế nào nếu như các nước phương Tây không hoàn tất nổi chuyện di tản cho đến ngày 31/8 sẽ đóng vai trò rất quyết định tới mối quan hệ giữa Taliban và phương Tây trong tương lai.
Tại cuộc trao đổi trực tuyến bất thường vừa rồi giữa lãnh đạo các nước thành viên của khuôn khổ diễn đàn G7, một vài thành viên ở châu Âu hối thúc Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết đảm bảo việc di tản này được an toàn cả sau thời điểm ngày 31/8 nhưng ông Biden không mặn mà đáp ứng mà hạ quyết tâm kết thúc việc đó đối với Mỹ trong ngày 31/8. Nhưng ông Biden cũng lại để ngỏ mọi khả năng khác. Thủ tướng Anh Boris Johnson thôi thúc các thành viên của G7 phối hợp hành động đối với Taliban nói chung và cho việc di tản nói riêng nhưng cũng không được các thành viên khác đáp ứng. Ở cuộc trao đổi cấp cao trực tuyến này, các thành viên của G7 không đạt được sự nhất trí quan điểm trong cả hai vấn đề quan trọng nói trên và thực trạng ấy chỉ có lợi cho Taliban ở Afghanistan.
Với việc bác bỏ đề nghị của một số thành viên G7 về kéo dài thời gian tiến hành cuộc di tản, Taliban chủ ý thể hiện vị thế quyền lực vững chắc hiện tại ở Afghanistan vừa dùng dọa để gia tăng áp lực đối với Mỹ và phương Tây trong chuyện rút quân đội và di tản. Taliban bây giờ đủ thức thời và mẫn cảm về chính trị thế giới để không liều lĩnh dùng biện pháp quân sự hay hành chính cản trở cuộc di tản của Mỹ và đồng minh, càng không dám để xảy ra đổ máu, chết chóc hay bạo lực. Cho nên mục đích chính của Taliban là làm phép thử Mỹ và đồng minh trên nhiều phương diện. Chẳng hạn như phép thử về Mỹ và đồng minh sẽ phản ứng như thế nào khi bị Taliban gia tăng áp lực, răn đe, cảnh báo và thậm chí cả doạ dẫm. Taliban muốn thử xem Mỹ và đồng minh sẽ ứng xử như thế nào khi phải trực diện Taliban ở vị thế chính trị và quân sự hoàn toàn khác trước ở Afghanistan. Taliban cần những nhận thức và kết luận từ phép thử đầu tiên này để hoạch định những bước đi tiếp theo.
Phía Mỹ cũng biết rõ những hạn chế và mưu tính của Taliban. Ông Biden vì thế tỏ ra không lo ngại như những đồng minh khác. Ông Biden trước mắt bám giữ vào thời điểm ngày 31/8 vì đã đặt ra hạn định thời gian đó mà nếu đáp ứng được thì sẽ không phải luỵ Taliban hoặc không cần đến phương án dự phòng cho trường hợp không hoàn tất nổi việc rút quân Mỹ và di tản cho đến ngày 31/8. Phía Mỹ biết rằng kể cả khi Mỹ cần thêm thời gian cho việc rút quân và di tản thì Taliban cũng chẳng dám hề hấn gì với Mỹ. Vấn đề đặt ra ở đây là Mỹ có sẵn sàng đứng ra đảm bảo cho cả đồng minh di tản an toàn ra khỏi Afghanistan sau ngày 31/8 hay không.
Cho nên những gì xảy ra sau ngày 31/8 sẽ giúp nhận biết rõ hơn về Taliban, về triển vọng của mối quan hệ giữa Taliban và phương Tây cũng như về Taliban vẫn như trước hay khác trước trên phương diện quan hệ với thế giới bên ngoài./.
Hoàng Lan