Dấu mốc mới trong lịch sử Afghanistan

Ngay sau khi Mỹ rút hết quân, Taliban tuyên bố Afghanistan được độc lập. Lịch sử đất nước này sang trang mới và có dấu mốc mới.

 

Mấy phút trước khi ngày 31/8/2021 bắt đầu ở Afghanistan, chuyến bay cuối cùng của Mỹ đưa những nhân viên ngoại giao, binh lính Mỹ, người Afghanistan và đại sứ Mỹ ở đất nước này cất cánh rời sân bay ở thủ đô Kabul. Ngay sau đó, Taliban tuyên bố Afghanistan được độc lập. Lịch sử đất nước này sang trang mới và có dấu mốc mới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện tuyên bố rút hết binh lính Mỹ ra khỏi Afghanistan sớm hơn hạn định đề ra đúng một ngày và cho thực hiện chiến dịch di tản lớn nhất từ trước tới nay bằng cầu hàng không ở nước ngoài. Hai kết quả này bị u ám bởi những hình ảnh hỗn loạn ở sân bay Kabul và bởi sự thiệt mạng của 13 binh lính Mỹ trong vụ đánh bom tự sát của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự phong (IS-K). Ông Biden đã trả đũa ngay bằng các cuộc không kích vào mục tiêu ở Afghanistan mà phía Mỹ cho rằng đấy là IS-K chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công vừa rồi vào sân bay Kabul.

Phía Mỹ không những chỉ trả đũa nhằm vào IS-K mà còn dùng hành động ấy để cảnh báo và răn đe chính cả Taliban ở Afghanistan. Thông điệp của Mỹ đại loại là Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh ở Afghanistan nhưng vẫn tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ rút quân ra khỏi Afghanistan nhưng sẽ vẫn sẵn sàng tiến hành tấn công quân sự vào đất nước này nếu Taliban chống Mỹ hoặc dung túng ai đó chống Mỹ như IS-K.

Một máy bay sơ tán của Mỹ tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul (Afghanistan). Ảnh: Getty

Cách đây 20 năm, Mỹ và đồng minh phát động cuộc chiến tranh ở Afghanistan và xác định rõ kẻ thù của họ trong cuộc chiến tranh này: Mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeada và Taliban ở Afghanistan. Sau 20 năm, Mỹ và đồng minh chấm dứt cuộc chiến tranh ở nơi đây và triệt thoái hoàn toàn quân đội ra khỏi Afghanistan. Một thời kỳ mới bắt đầu cho Afghanistan nói chung và cho Taliban ở Afghanistan nói riêng. Nhưng đồng thời, một giai đoạn mới cũng bắt đầu đối với Mỹ và đồng minh về chính trị, quân sự và an ninh.

Mỹ và đồng minh từ sau đây sẽ dành thời gian để nhìn nhận lại cuộc chiến tranh này, sẽ theo dõi Taliban cầm quyền ở Afghanistan để hoạch định lại chính sách và chiến lược đối với Taliban cũng như sẽ phải toan tính lại cuộc chiến chống khủng bố và ứng phó với tương quan lực lượng mới và cục diện tình hình mới ở khu vực Nam Á. Từng bên trong số ấy và NATO sẽ phải tự rút ra những bài học cần thiết và từ đó có những điều chỉnh chính sách và chiến lược cần thiết. Những thay đổi từ phía này sẽ là một trong những tác nhân quyết định tương lai chính trị an ninh của khu vực, triển vọng tình hình an ninh và ổn định chính trị cũng như xã hội ở Afghanistan.

Tác nhân quyết định không kém là Taliban đã thay đổi bản chất như thế nào và đã tự rút ra được những bài học cần thiết gì từ việc bị lật đổ năm 2001 và từ 20 năm chiến tranh vừa qua. 2021 khác biệt cơ bản trên mọi phương diện so với 1996 hay 2001 đối với thế giới, đối với Mỹ và NATO, đối với thế giới Hồi giáo, đối với Afghanistan và khu vực Nam Á. Cầm quyền khác với chiến tranh. Mỹ và đồng minh rút quân ra khỏi Afghanistan thì Taliban sẽ phải đối phó với kẻ thù khác ở Afghanistan và sẽ phải giải quyết những vấn đề nan giải khác so với ở thời chiến tranh. Những nguồn lực trợ giúp cho Taliban tiến hành chiến tranh trong 20 năm qua không thể đủ để giúp Taliban cầm quyền thành công. Taliban bây giờ không thể không cần sự trợ giúp và hợp tác của thế giới bên ngoài.

Afghanistan rồi đây sẽ ra sao về chính trị và xã hội cũng như sẽ như thế nào trong thế giới hiện đại vì thế hiện là những câu hỏi chưa thể được trả lời. Điều có thể chắc chắn được là Taliban sẽ tránh để lại phải chịu số phận như hồi năm 2001 và nhiều phe bên ngoài cũng sẽ không để cho Taliban trị vì Afghanistan như đã từng trị vì nước này thời kỳ 1996-2001, đặc biệt trên phương diện dân chủ, nhân quyền và chống khủng bố quốc tế./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận