Sự kiện làm chuyển biến quan hệ quốc tế

Các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001 đã làm thay đổi nước Mỹ và thế giới rất cơ bản và sâu sắc.

 

Các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001 đã làm thay đổi nước Mỹ và thế giới rất cơ bản và sâu sắc. Năm nay, sự kiện này được nước Mỹ kỷ niệm trong tâm trạng đặc biệt chứ không như mọi năm và được thế giới nhìn nhận với con mắt khác vì đúng vào dịp ấy, Mỹ và đồng minh rút hết binh lính ra khỏi Afghanistan và Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan. Đối với Mỹ và đồng minh, ngày 11/9 năm nay là thời điểm khép lại một giai đoạn lịch sử và mở ra một thời kỳ lịch sử mới. Đối với Taliban, ngày 11/9 năm nay khép lại thời kỳ đi vòng từ cầm quyền rồi bị lật đổ và chiến tranh rồi lại cầm quyền ở Afghanistan. Đối với đất nước Afghanistan, chiến tranh với sự tham chiến của bên ngoài đã kết thúc nhưng có hòa bình, an ninh và ổn định hay không lại vẫn là câu hỏi chưa thể được trả lời.

Khoảnh khắc chiếc máy bay Boeing 767 số hiệu 11 của American Airlines đâm vào tòa tháp phía bắc thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York lúc 8h45 ngày 11/9/2001. (Ảnh: KT)

Đối với quan hệ quốc tế, tác động trực tiếp cũng như gián tiếp của sự kiện ngày 11/9/2001 và những diễn biến tiếp theo trong 20 năm qua rất mạnh mẽ và còn dai dẳng. So với cách đây 20 năm, cả tương quan lực lượng lẫn cục diện quan hệ giữa các đối tác lớn trên thế giới, đặc biệt giữa Mỹ, EU, NATO, Nga và Trung Quốc đều đã thay đổi rất rõ rệt cũng như cục diện quan hệ quốc tế nói chung trên thế giới đã bị xáo trộn rất nhiều.

Trong 20 năm qua, Mỹ và đồng minh đã phát động chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, lật đổ chính thể ở hai nơi này và dựng nên chính quyền mới ở đó, nhưng không nhờ thế mà mạnh thêm lên về chính trị thế giới và đều phải thấy rằng ưu thế quân sự của họ không giúp họ giải quyết được ổn thỏa hết mọi vấn đề và thách thức đối với họ ở Afghanistan và Iraq cũng như ở hai khu vực có hai quốc gia kia. Nói theo cách khác, hai cuộc chiến tranh sau ngày 21/9/2001 làm cho Mỹ và đồng minh suy yếu đi về quân sự và chính trị thế giới. Mỹ tiêu diệt được thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qeada Osama bin Laden, đến nay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị xóa sổ nhưng khủng bố vẫn là thách thức và đe dọa an ninh trực tiếp đối với Mỹ và các đồng minh quân sự chiến lược truyền thống trong NATO ở châu Âu. Mỹ và đồng minh vẫn còn cần nhiều thời gian và hao công tốn của để xử lý hệ lụy của hai cuộc chiến tranh của họ ở khu vực Nam Á và vùng Vịnh cũng như để đối phó với khủng bố. Một trong những hệ lụy tai hại nhất đối với Mỹ, EU và NATO là Nga và Trung Quốc đã hùng mạnh lên trên nhiều phương diện khác nhau trong 20 năm qua. Trong khi Mỹ, EU và NATO sa đà và sa lầy vào chiến tranh ở Afghanistan và Iraq cũng như phải tập trung hàng đầu cho chuyện đối phó khủng bố thì Nga và Trung Quốc đều có sự bứt phá vươn lên rất ngoạn mục và trở thành đối thủ đáng gờm nhất của họ về chính trị an ninh thế giới và châu lục (Nga) cũng như về kinh tế, thương mại, tài chính và khoa học công nghệ (Trung Quốc). Hơn thế nữa, Nga và Trung Quốc còn gây dựng thành công mối quan hệ đối tác chiến lược gắn bó đến mức trở thành cặp bài trùng về quyền lực và ảnh hưởng chính trị thế giới trên nhiều phương diện. Sau 20 năm, Mỹ và các đồng minh trong khối phương Tây không còn có thể lấn át hay nổi trội rõ ràng so với Nga về chính trị an ninh thế giới và châu lục hay so với Trung Quốc về kinh tế, thương mại, tài chính và khoa học công nghệ. Vì thế, phe này giờ hạ quyết tâm giành về phần thắng trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Nga về chính trị an ninh thế giới và với Trung Quốc về kinh tế, thương mại, tài chính và khoa học công nghệ.

Nhìn nhận như thế sẽ thấy cho dù Mỹ và đồng minh muốn dùng dịp 20 năm ngày 21/9/2001 để chấm dứt giai đoạn cũ và mở ra giai đoạn mới thì về tác động của sự kiện tới tương quan lực lượng và cục diện quan hệ giữa các đối tác lớn nói trên vẫn không có bước chuyển giai đoạn mà chỉ tiếp tục./.

Hoàng Lan

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận