Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y học New Zealand ngày 15/9 chỉ ra rằng, nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 giảm 11 lần và nguy cơ mắc bệnh nặng giảm 20 lần ở những người tiêm mũi tăng cường so với những người tiêm 2 liều vaccine.
Kế hoạch tiêm mũi tăng cường tại Mỹ đã gặp nhiều ý kiến trái chiều. Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Rochelle Walensky và quyền ủy viên Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Janet Woodcock đã ủng hộ việc tiêm liều vaccine thứ ba, với điều kiện các mũi tiêm bổ sung phải được các cơ quan quản lý và quan chức y tế chấp thuận. Trong khi đó, 2 quan chức hàng đầu về vaccine của FDA đã công bố kế hoạch từ chức trong năm nay, một dấu hiệu cho thấy sự hoài nghi đối với kế hoạch tiêm mũi tăng cường.
FDA và Pfizer hôm 15/9 đã công bố tài liệu tóm tắt trước cuộc họp ngày 17/9 của các cố vấn. Theo đó, báo cáo của Pfizer cho thấy, hiệu quả của vaccine Covid-19 có thể suy giảm theo thời gian và các mũi tiêm tăng cường sẽ giúp duy trì mức độ bảo vệ của vaccine. Báo cáo của FDA chỉ ra rằng, vaccine hiện tại vẫn có hiệu quả ngăn ngừa mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19.
Nghiên cứu của Israel đã theo dõi hơn 1,1 triệu người Israel trên 60 tuổi, những người đã tiêm 2 mũi vaccine Pfizer. Các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Weizmann, Viện Công nghệ Technion ở Israel, Bộ Y tế Israel, Đại học Tel Aviv và các nhà khoa học khác đã so sánh nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh nặng giữa những người tiêm mũi tăng cường và những người không tiêm.
Theo Bloomberg, một lưu ý chính là nghiên cứu của Israel dựa trên sự theo dõi ngắn hạn. Chiến dịch tiêm mũi tăng cường của Israel bắt đầu vào ngày 30/7 và nghiên cứu này diễn ra đến ngày 31/8. Nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh nặng được xem xét sau 12 ngày kể từ khi tiêm liều vaccine thứ ba./.
Theo VOV.VN