Không nhắc đến Trung Quốc, Biden cam kết không để nước lớn chèn ép nước nhỏ

Phát biểu tại LHQ ngày 21/9 (giờ Mỹ), mặc dù không hề nhắc đến từ 'Trung Quốc' nhưng Tổng thống Biden đã ám chỉ đến cuộc cạnh tranh gay gắt với nước này.

 

Không nhắc đến Trung Quốc

Bất chấp sự trỗi dậy của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vạch ra một kỷ nguyên cạnh tranh gay gắt mà không dẫn đến chiến tranh lạnh mới trong bài phát biểu đầu tiên tại Liên Hợp Quốc ngày 21/9, khẳng định sẽ kiềm chế các hành động quân sự và hành động mạnh mẽ để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York rằng, Mỹ sẽ hỗ trợ giải quyết các cuộc khủng hoảng từ vấn đề Iran đến hồ sơ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và Ethiopia.

Thế giới đang đối mặt với "một thập kỷ mang tính quyết định", ông Biden cho hay, đồng thời nhận định các nhà lãnh đạo thế giới phải hợp tác với nhau để chống lại đại dịch Covid-19 đang hoành hành, tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu và các mối đe dọa về an ninh mạng.

Tổng thống Biden cũng cho biết Mỹ sẽ tăng gấp đôi cam kết tài chính để hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và dành 10 tỷ USD để chống đói nghèo. Ông Biden không hề nhắc đến từ "Trung Quốc" hay "Bắc Kinh" nhưng đã ám chỉ đến mối quan hệ với đối thủ cạnh tranh lớn nhất này của Mỹ trong bài phát biểu của mình, giữa bối cảnh 2 quốc gia đối đầu nhau ở Ấn Độ - Thái Bình Dương trên một loạt vấn đề từ thương mại tới nhân quyền. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định, Washington sẽ cạnh tranh mạnh mẽ về kinh tế cũng như thúc đẩy hệ thống dân chủ và luật pháp quốc tế.

"Chúng tôi sẽ đứng về phía các đồng minh và đối tác, đồng thời phản đối những nỗ lực từ các quốc gia mạnh hơn nhằm chèn ép các quốc gia yếu hơn trong việc thay đổi nguyên trạng lãnh thổ thông qua vũ lực, cưỡng ép kinh tế, khai thác kỹ thuật hoặc làm sai lệch thông tin. Tuy nhiên, tôi khẳng định một lần nữa rằng, chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh mới hay một thế giới chia rẽ thành những khối đối lập", ông Biden nhận định.

Nhà lãnh đạo Mỹ tham dự cuộc họp tại Liên Hợp Quốc khi đang đối mặt với sự chỉ trích ở trong nước và nước ngoài về quá trình rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan, khiến cho nhiều người dân Mỹ và các đồng minh Afghanistan vẫn mắc kẹt ở quốc gia này.

Tổng thống Biden bài phát biểu ở Liên Hợp Quốc không nhắc đến Trung Quốc căng thẳng Mỹ - Trung.

Kỷ nguyên mới

Tuyên bố đoàn kết đồng minh của Tổng thống Biden đang bị thử thách bởi thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ, khiến cho thỏa thuận tàu ngầm thông thường trước đó giữa Australia và Pháp bị hủy bỏ, đồng thời làm Paris cảm thấy "bị đâm sau lưng".

"Chúng tôi đã chấm dứt 20 năm xung đột ở Afghanistan và trong khi khép lại kỷ nguyên của những cuộc chiến không hồi kết thì chúng tôi cũng đang mở ra một kỷ nguyên mới của những nỗ lực ngoại giao liên tục", Tổng thống Biden cho hay.

Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định sẽ bảo vệ các lợi ích quốc gia cốt lõi nhưng "sứ mệnh này phải rõ ràng và có thể đạt được", đồng thời cho rằng, quân đội Mỹ "không phải là câu trả lời cho mọi vấn đề mà chúng ta chứng kiến trên thế giới".

Tổng thống Biden hy vọng sẽ đưa ra một lập trường thuyết phục rằng, Mỹ vẫn là một đồng minh đáng tin cậy với các đối tác trên thế giới sau 4 năm cựu Tổng thống Trump theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết".

Tổng thống Biden cho biết ông vẫn giữ cam kết về việc giải quyết hòa bình những tranh cãi với Iran về chương trình hạt nhân. Ông Biden tuyên bố sẽ bảo vệ đồng minh Israel và nhận định giải pháp 2 nhà nước với người Palestine là điều cần thiết mặc dù đây vẫn là mục tiêu xa vời.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho rằng, Mỹ muốn duy trì con đường ngoại giao liên tục để giải quyết cuộc khủng hoảng về các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã bác bỏ lập trường tham gia vào các cuộc đối thoại với Washington.

Tổng thống Biden cũng nhắc đến vấn đề Tân Cương và đáp lại nhận định của phía Mỹ, phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc nhận định với Reuters: "Điều này là vô căn cứ. Chúng tôi hoàn toàn phản đối. Mỹ nên chú ý hơn đến các vấn đề nhân quyền của mình".

Trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo về những mối nguy hiểm khi khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng lớn.

"Tôi lo ngại rằng thế giới đang rơi vào 2 khuynh hướng kinh tế, thương mại, tài chính và các quy tắc công nghệ khác nhau, hai hướng tiếp cận khác nhau về sự phát triển trí tuệ nhân tạo và cuối cùng là 2 chiến lược địa chính trị và quân sự khác nhau. Đây chính là nguồn cơn của rắc rối. Điều đó thậm chí còn khó đoán định hơn nhiều so với một cuộc chiến tranh lạnh", ông Guterres cho hay./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo: Straits Times

 

Bình luận

    Chưa có bình luận