Lý do Trung Quốc khó thắng Mỹ trong một cuộc chạy đua vũ trang

Trung Quốc hiện đang rơi vào tình thế khó khăn khi cùng lúc phải cạnh tranh với sức mạnh quân sự tổng hợp của Mỹ và các đồng minh ở Thái Bình Dương.

 

Sau khi Liên Xô tan rã cách đây 3 thập kỷ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho là đã yêu cầu thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu về nguyên nhân dẫn đến điều này. Theo giới nghiên cứu Trung Quốc, một trong những sai lầm của Liên Xô là đã tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém với Mỹ, dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế.

Trung Quốc đang ở tình thế bất lợi

Ngày nay, khi Mỹ tập trung các năng lực quân sự tại khu vực Đông Á, Trung Quốc đang đối mặt với tình thế khó khăn tương tự. Nỗ lực bắt kịp đà phát triển của quân đội Mỹ có thể khiến Bắc Kinh phải tăng chi tiêu quốc phòng ở mức tối đa. Tuy vậy, thất bại trong việc đối phó với tiềm lực quân sự của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc trở nên bất an và dễ bị tổn thương hơn.

Quyết định của Mỹ hỗ trợ trang bị cho đồng minh Australia các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân đã nêu bật thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt. Với động thái chiến lược này, Mỹ đang thách thức Trung Quốc một cách hiệu quả trước một cuộc chạy đua vũ trang mới, nhiều khả năng tốn kém hơn về mặt kinh tế.

Với việc Australia đạt thỏa thuận với Mỹ và Anh để khởi động chương trình đóng tàu ngầm hạt nhân, thông qua liên minh 3 bên mới được thành lập AUKUS, giới phân tích cho rằng tàu ngầm của Australia sẽ giống phiên bản tàu ngầm mới nhất trong kho vũ khí của Mỹ, trong đó phải kể đến tàu ngầm lớp Virginia có giá 3,45 tỷ USD mỗi chiếc.

Trung Quốc hiện đang rơi vào tình thế chiến lược mà nước này không thể tránh khỏi: cùng lúc phải cạnh tranh với sức mạnh quân sự tổng hợp của Mỹ và các đồng minh của Washington ở Thái Bình Dương.

Nếu Trung Quốc đạt được năng lực quân sự gần tương đương với Mỹ, nước này sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn nhưng không hoàn toàn bất khả thi. GDP của Trung Quốc hiện nay bằng khoảng 70% GDP của Mỹ tính theo đồng USD và có khả năng vượt Mỹ trong vòng 15 năm tới. Trong tương lai gần, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc có thể tương đương với mức chi tiêu quốc phòng của Mỹ.

Nhưng bài toán sẽ thay đổi hoàn toàn nếu tính đến sức mạnh kinh tế tổng hợp của các quốc gia thành viên trong nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia). Bộ Tứ đang nhanh chóng nổi lên như một liên minh quân sự không chính thức được thành lập để kiềm chế Trung Quốc. Với tổng GDP khoảng 30.000 tỷ USD, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, sản lượng kinh tế của nhóm này cao gấp đôi so với Trung Quốc.

Với việc duy trì chi tiêu quân sự ở mức 3% GDP, ngân sách quốc phòng của nhóm Bộ Tứ tính gộp lại sẽ là 900 tỷ USD. Như vậy, Trung Quốc – quốc gia đã chi 250 tỷ USD cho quân sự năm 2020, gần như sẽ phải tăng gấp 4 lần ngân sách quốc phòng để bắt kịp nhóm này.

Một số nhà phân tích nhận định, xét đến lợi thế về mặt công nghệ của Mỹ - quốc gia đang sở hữu kho vũ khí khổng lồ sau nhiều thập kỷ chi tiêu bộn tiền cho quân sự, thì việc Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vũ trang tiếp theo dựa trên sức mạnh của nền kinh tế đang phát triển là điều phi thực tế.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Bắc Kinh sẽ phải làm gì?

Ông Minxin Pei, Giáo sư Khoa chính trị trường Đại học Claremont McKenna (Mỹ) cho rằng, thay vì bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang bất khả kháng, Trung Quốc nên tập trung vào ngoại giao để tăng cường an ninh.

Nguyên nhân sâu xa khiến Mỹ thành công trong việc tập hợp Nhật Bản, Ấn Độ và Australia chính là sự lo ngại của những nước này trước năng lực quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Nhật Bản và Ấn Độ - hai quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ trên đất liền và lãnh thổ trên biển với Trung Quốc, có động cơ đặc biệt để hợp tác với Mỹ.

Chuyên gia Minxin Pei lưu ý, Trung Quốc có thể đảm bảo tốt hơn lợi ích của nước này nếu thực hiện nỗ lực nghiêm túc nhằm giải quyết những tranh chấp đang xảy ra và xoa dịu căng thẳng với các nước láng giềng. Tránh hành động gây leo thang căng thẳng tại vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông hay rút quân khỏi một số khu vực tranh chấp ở biên giới Trung - Ấn sẽ là những dấu hiệu ban đầu thể hiện sự thiện chí.

Điều quan trọng không kém là Bắc Kinh nên nối lại việc tiếp xúc và trao đổi với Washington trong bối cảnh hai bên luôn ngờ vực lẫn nhau và sự đối đầu đã leo thang đến mức nguy hiểm. Một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden là vô cùng cần thiết bởi chỉ có sự tiếp xúc ngoại giao ở cấp cao nhất mới có thể hạn chế vòng luẩn quẩn đang quân sự hóa cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc có thể tiếp túc triển khai những quy tắc đã được nhất trí với Mỹ đồng thời đề xuất những giao thức mới để tránh xung đột giữa hai bên. Theo nhà phân tích Minxin Pei, việc thay đổi hướng đi sẽ giúp Trung Quốc giảm căng thẳng với Mỹ, đảm bảo lợi ích của nước này và nâng cao vị thế trên trường quốc tế./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo Bloomberg

 

Bình luận

    Chưa có bình luận