Ngày 13/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công bố Nhóm cố vấn Khoa học về nguồn gốc các mần bệnh mới (SAGO), không chỉ có nhiệm vụ truy tìm nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19, mà còn đánh giá khả năng xuất hiện của bất kỳ tác nhân gây bệnh mới nào trong tương lai.
Nhóm này gồm 26 thành viên đã được đề xuất, là các chuyên gia được tuyển chọn từ 700 ứng cử viên, có trình độ chuyên môn hàng đầu thế giới về virus, dịch tễ học, động vật học, an toàn sinh học và các lĩnh vực khác.
Viện Virus học Vũ Hán, tâm điểm chú ý của thế giới sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. (Ảnh: SCMP)
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “SAGO có nhiệm vụ tư vấn cho WHO, xác định và hướng dẫn các nghiên cứu về nguồn gốc của các mầm bệnh mới nổi và khả năng gây dịch và đại dịch, bao gồm cả SARS-CoV-2. Sẽ có một cuộc tham vấn cộng đồng kéo dài hai tuần, để WHO nhận phản hồi về các thành viên SAGO được đề xuất, sau đó, thành viên của SAGO sẽ được xác nhận và nhóm sẽ sớm có cuộc họp đầu tiên”.
Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO - Tiến sĩ Mike Ryan cho biết, SAGO có thể là cơ hội cuối cùng để xác định nguồn gốc của SARS-CoV-2 - một loại virus đã khiến cả thế giới như ngừng hoạt động.
Trong khi các quan chức khác của WHO hy vọng sẽ có thêm các phái đoàn quốc tế do WHO dẫn đầu tới Trung Quốc để tiến hành điều tra thêm về nguồn gốc virus.
Mỹ trước đó đã lên tiếng hoan nghênh kế hoạch lập Nhóm SAGO của WHO, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng “sự chú trọng các nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học và các nỗ lực dựa trên dữ liệu nhằm tìm ra nguồn gốc đại dịch có thể giúp nhân loại phát hiện, ngăn chặn và đối phó tốt hơn trước các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai”.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng tuyên bố ủng hộ “truy tìm nguồn gốc dựa trên khoa học”, nhưng sẽ phản đối “thao túng chính trị dưới bất kỳ hình thức nào”./.
Đình Nam/VOV1
Theo Reuters