Myanmar đã có phản ứng bày tỏ sự thất vọng, trong khi một số quốc gia Đông Nam Á cho rằng đây là quyết định cần thiết để duy trì sự tín nhiệm của ASEAN.
Quyết định được đưa ra trong một cuộc họp khẩn của các Ngoại trưởng ASEAN vào tối ngày 15/10. Thay vì mời người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar tới dự, ASEAN đã quyết định mời một đại diện phi chính trị, chưa rõ danh tính, để dự hội nghị cấp cao của khối.
Lý giải về điều này, ASEAN đã viện dẫn chính quyền quân sự Myanmar chưa thực hiện tốt đồng thuận 5 điểm nhằm khôi phục sự ổn định tại Myanmar, vốn đã được giới lãnh đạo Myanmar thống nhất với các nhà lãnh đạo ASEAN hồi tháng 4 vừa qua. Trong đó, phải kể đến việc chính quyền quân sự của Myanmar hôm 13/10 từ chối cho phép đặc phái viên ASEAN đến trao đổi với “các bên liên quan”, bao gồm cựu lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi - người đang bị giam giữ từ cuộc chính biến hồi tháng 2/2021.
Việc không mời lãnh đạo Myanmar tới dự Hội nghị cấp cao được xem là quyết định hiếm hoi của ASEAN, vốn luôn ủng hộ chính sách không can dự vào các công việc nội bộ của các nước thành viên. ASEAN luôn mong muốn Myanmar hòa bình, ổn định nhưng cũng đang đứng trước thách thức rất lớn khi tiến trình dân chủ của Myanmar, sự hóa giải xung đột giữa các bên liên quan đang ảnh hưởng tới tiến trình xây dựng cộng đồng, tới hình ảnh, uy tín của cả khu vực.
Theo Ngoại trưởng Singapore, đây là một quyết định khó khăn, nhưng cần thiết để duy trì sự tín nhiệm của ASEAN. Ngoại trưởng Philippines cũng nhấn mạnh, uy tín của ASEAN sẽ bị “đặt dấu hỏi” nếu cho phép nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar đến tham dự Hội nghị cấp cao.
Trong khi, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết, nước này rất thất vọng với Myanmar vì sau 6 tháng, đặc phái viên của ASEAN vẫn chưa thể đến quốc gia này. Nếu không có tiến triển thực sự thì lập trường của Malaysia vẫn là không muốn thống tướng Myanmar tham dự Hội nghị cấp cao. Malaysia sẽ không thỏa hiệp về điều này.
Còn Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đề xuất rằng, Myanmar “không nên có đại diện ở cấp độ chính trị” tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, cho đến khi khôi phục được “nền dân chủ thông qua một quá trình tổng thể”.
Thái Lan tỏ ra thận trọng hơn khi bày tỏ lo ngại rằng bất ổn ở Myanmar có thể vượt ra ngoài biên giới; hy vọng rằng tất cả các bên liên quan tìm cách để đối thoại. Một số quốc gia thành viên khác của ASEAN đã khuyến nghị để cho Myanmar “có không gian giải quyết công việc nội bộ và trở lại bình thường”.
Quyết định của ASEAN cũng được đưa ra trong bối cảnh Văn phòng Cao Ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền đang lo ngại các chiến dịch quân sự tại Myanmar nhằm vào các cuộc biểu tình dân sự.
Người phát ngôn Văn phòng này, bà Ravina Shamdasani cho biết: "Những gì đã xảy ra trong vài ngày qua tại Myanmar, chúng tôi thấy rằng, đã có sự tăng cường quân sự, việc triển khai đáng kể vũ khí hạng nặng và quân đội tại một số khu vực. Việc tắt internet và triển khai vũ khí hạng nặng khiến chúng tôi lo ngại rằng có thể có một cuộc tấn công sắp xảy ra".
Trước và sau quyết định của ASEAN, Myanmar đã có phản ứng lấy làm thất vọng. Theo Ngoại trưởng thuộc chính quyền quân sự Myanmar, việc thảo luận về vấn đề cử đại diện của Myanmar tham dự Hội nghị cấp cao là không cần thiết vì nó không nằm trong hiến chương của ASEAN. Myanmar cũng phản đối quyết định không mời Thống tướng tham dự.
Cũng sau quyết định của ASEAN, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, việc ASEAN hạ cấp việc tham dự của Myanmar tại một hội nghị thượng đỉnh là hoàn toàn phù hợp. Còn Singapore kêu gọi Myanmar nhanh chóng hợp tác với đặc phái viên của ASEAN – Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei Erywan Yusof.
Tuy nhiên, phía Myanmar cho rằng, vị đặc phái viên này luôn được chào đón tại Myanmar, nhưng không được phép gặp bà San Suu Kyi, với lý do bà này đang bị buộc tội./.
Đình Nam/VOV1 (Tổng hợp)