Mỹ thấp thỏm lo âu dù Trung Quốc bác tin thử tên lửa siêu thanh

Theo ông Robert Wood, các hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ gặp khó khăn khi theo dõi những loại vũ khí có tốc độ cao, cơ động...

 

“Chúng tôi chưa từng phải đối mặt với chúng”

Đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị Robert Wood hôm 18/10 cho biết, Mỹ “rất lo ngại” về sự phát triển của Trung Quốc trong công nghệ siêu thanh, sau khi tờ Financial Times đăng tải thông tin cho rằng Bắc Kinh đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng hạt nhân mới vào tháng 8 vừa qua.

Phát biểu với báo chí tại Geneva, ông Robert Wood nêu rõ: “Chúng tôi rất lo ngại về những gì Trung Quốc đang làm trong lĩnh vực siêu thanh”.

“Chúng tôi luôn lo ngại về công nghệ siêu thanh cùng những ứng dụng quân sự tiềm năng của nó. Đó là lý do tại sao chúng tôi từ chối theo đuổi các ứng dụng quân sự của công nghệ này. Trái lại, Nga và Trung Quốc lại đang vận dụng rất tích cực vì thế chúng tôi sẽ phải đáp trả. Nhưng chúng tôi vẫn chưa biết làm thế nào để đối phó với công nghệ đó. Cả Nga và Trung Quốc cũng vậy”.

Một vụ phóng tên lửa đẩy do Trung Quốc thực hiện. (Ảnh: AFP)Theo ông Robert Wood, các hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ gặp khó khăn khi theo dõi những loại vũ khí có tốc độ cao, cơ động, có thể né tránh hệ thống phòng thủ ngăn chúng xâm nhập vào lãnh thổ.

“Nga có tên lửa siêu thanh Avangard, một trong những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hạng nặng. Chúng tôi đã biết về điều đó. Về bản chất, nó có trong Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) nhưng nó vẫn chưa được phát triển hoàn thiện. Loại công nghệ này là đáng lo ngại, bởi vì chúng tôi chưa từng phải đối mặt với chúng", ông Robert Wood  cho biết thêm.

Quan chức này bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ đề ra quy tắc chung hoặc các cơ chế pháp lý để kiểm soát sự phát triển các loại công nghệ mới này.

Trong một tuyên bố riêng rẽ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, Mỹ đang theo dõi chặt chẽ việc phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến của Trung Quốc, song ông từ chối bình luận trực tiếp về thông tin đăng tải trên tờ Financial Times. “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ sự phát triển của Trung Quốc về vũ khí cùng các năng lực và hệ thống tiên tiến vốn có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.

Trước đó cuối tuần qua, tờ Financial Times đưa tin Trung Quốc đã phóng thử tên lửa siêu thanh có khả năng hạt nhân bay vào quỹ đạo thấp của Trái Đất trước khi tăng tốc nhắm đến mục tiêu. Mặc dù tên lửa bay trượt mục tiêu khoảng 3km song vụ thử cho thấy Bắc Kinh đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển vũ khí siêu thanh. Trích dẫn từ nhiều nguồn tin, Financial Times cho biết, tên lửa siêu thanh được phóng bằng tên lửa đẩy Long March. Các chi tiết khác về quá trình thử nghiệm vẫn được giữ kín.

Tuy vậy, Bắc Kinh đã bác bỏ thông tin này, khẳng định đó là một cuộc thử nghiệm một công nghệ có thể tái sử dụng nhằm giảm chi phí phóng tàu vũ trụ.

“Đây là một cuộc thử nghiệm tàu vũ trụ thông thường, để kiểm tra công nghệ vũ trụ có thể tái sử dụng. Điều này cung cấp một giải pháp thuận lợi và tiết kiệm chi phí để con người sử dụng không gian cho mục đích hòa bình”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra chỉ vài ngày sau khi nước này đưa 3 phi hành gia vào trạm vũ trụ Thiên Cung để bắt đầu sứ mệnh kéo dài 6 tháng.

Chiến lược của Mỹ

Thông tin về việc Trung Quốc thử nghiệm tên lửa siêu thanh được Financial Times đưa ra vào thời điểm nhạy cảm, khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục xấu đi. Một số nhà bình luận cho rằng, các diễn biến trong thời gian gần đây đã gợi nhớ những gì từng xảy ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và phương Tây ở thế kỷ 20.

Vụ thử nghiệm của Trung Quốc mà Financial Times cho là vụ phóng tên lửa siêu thanh đã khiến một số nhà quan sát ở Washington bối rối. Một quan chức Mỹ nói với Financial Times rằng: “Chúng tôi không biết họ đã làm điều này như thế nào”. Báo cáo của Financial Times cho biết, sự tiến bộ của Bắc Kinh trong lĩnh vực siêu thanh đã khiến “tình báo Mỹ bất ngờ”.

Tong Zhao, chuyên gia nghiên cứu chương trình chính sách hạt nhân tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie – Tsinghua ở Bắc Kinh, đánh giá: “Điều này không có gì ngạc nhiên. Trung Quốc được cho là đã tiến hành nghiên cứu các công nghệ siêu thanh mới trong một thời gian dài. Nhưng ngay cả khi vụ phóng thử này là một cuộc thử nghiệm vũ khí thì có lẽ phải rất lâu nó mới có khả năng hoạt động”.

Ông Tong Zhao lưu ý: “Nếu thông tin của Financial Times là chính xác, điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẵn sàng đi xa hơn khi áp dụng cách tiếp cận mới, để xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Mỹ”. Mỹ từ lâu “đã sở hữu công nghệ tương tự nhưng phức tạp hơn, chẳng hạn như tàu vũ trụ X-37B”.

Drew Thompson, cựu quan chức quốc phòng Mỹ chuyên trách quan hệ quân sự với Trung Quốc, Mông Cổ cho biết, Bộ Quốc phòng và cộng đồng tình báo Mỹ đã theo dõi các chương trình tên lửa khác nhau của Trung Quốc “trong nhiều năm”.

“Nếu không có sự minh bạch trong chương trình không gian của Trung Quốc, rất khó để đưa ra những lập luận bác bỏ đáng tin cậy. Tôi nghĩ những tính toán của Tổng thống Biden đối với Trung Quốc đã thay đổi cách đây rất lâu”.

Ngoài Trung Quốc, Mỹ, Nga và ít nhất 5 quốc gia khác đang nghiên cứu công nghệ siêu thanh. Tên lửa siêu thanh có thể bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh và giống như tên lửa đạn đạo, nó có thể mang đầu đạn hạt nhân. Trong khi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bay cao vào không gian theo hình vòng cung để tiếp cận mục tiêu thì tên lửa siêu thanh có thể di chuyển linh hoạt ở quỹ đạo thấp hơn, khiến nó tiếp cận mục tiêu nhanh hơn. Quan trọng là tên lửa siêu thanh rất cơ động, linh hoạt khiến nó khó bị theo dõi và bị đánh chặn.

Nhiều quốc gia trong đó có Mỹ đã phát triển các hệ thống phòng thủ chống lại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, nhưng khả năng theo dõi và hạ gục tên lửa siêu thanh của họ vẫn còn hạn chế. Các chuyên gia hạt nhân chỉ ra rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) được thiết kế để chống lại “các quốc gia bất hảo” với kho vũ khí hạt nhân nhỏ không thể bảo vệ Mỹ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa tiềm tàng từ Nga hoặc Trung Quốc. Chính vì vậy, Washington đã đề ra chiến lược răn đe hạt nhân để đối phó với các cường quốc hạt nhân.

“BMD của Mỹ không phải là một hệ thống giúp thay đổi cuộc chơi vì nó không được thiết kế để chống lại các tên lửa hiện có của Trung Quốc. Nhưng tính năng không giới hạn của BMD và khả năng của Mỹ nhằm tiến hành một cuộc tấn công giải giáp vũ khí vẫn khiến Trung Quốc lo ngại”.

Vipin Narang, giáo sư khoa học chính trị và an ninh hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nhận xét: “Một trong những lý do khiến Mỹ phát triển các năng lực phòng thủ tên lửa và phản công, là buộc đối thủ phải đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực để phát triển các hệ thống vũ khí thử nghiệm mà đôi khi có thể không hiệu quả”.  

Ông Vipin Narang cho rằng, "đây là một chiến lược của Mỹ" và theo báo cáo gần đây của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, Trung Quốc đang tích cực phát triển những công nghệ như vậy”./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo The Guardian

 

Bình luận

    Chưa có bình luận