Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại Glasgow, Scotland từ ngày 31/10 đến 12/11, với hy vọng đạt được bước đột phá trong việc ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
“Hy vọng cuối cùng và tốt nhất”
Khai mạc Hội nghị COP26 ngày 31/10, nước chủ nhà Anh đã kêu gọi các nhà lãnh đạo cùng nhau hành động để giúp thế giới tránh khỏi những tác động tồi tệ nhất do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra. Bị trì hoãn trong 12 tháng do dịch bệnh Covid-19, COP26 đang tìm cách thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015, nhằm khống chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Hội nghị cũng tìm kiếm cam kết mạnh mẽ hơn từ các quốc gia nhằm hạn chế phát thải khí gây ứng nhà kính và đạt tiến triển trong việc hỗ trợ các nước nghèo thực hiện mục tiêu của Hiệp định Paris. Bên cạnh đó, COP26 còn tìm cách hoàn thiện “Quy tắc Paris” để thực hiện hiệp định này, bởi một số vấn đề, đặc biệt trong lĩnh vực báo cáo phát thải và mua bán carbon, vẫn chưa được giải quyết.
Tuy vậy, những cam kết hạn chế từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên thế giới đã phủ bóng lên hội nghị COP26, khiến khả năng đạt được sự đồng thuận khó khăn hơn. Kỳ vọng cũng giảm sút do sự vắng mặt của Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trung Quốc là quốc gia đứng Top 1 thế giới về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, chiếm 28% lượng khí thải còn Nga đứng Top 4 chiếm 5% lượng khí thải.
Chủ tịch COP26, ông Alok Sharma nhấn mạnh, hội nghị sẽ là “cơ hội cuối cùng và tốt nhất” để khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức không quá 1,5 độ C. Theo ông Sharma, các tác động của biến đổi khí hậu đã thể hiện rõ trên khắp thế giới, dưới nhiều hình thức như lũ lụt, bão, cháy rừng và các mức nhiệt độ kỷ lục.
“Nếu chúng ta cùng nhau hành động ngay bây giờ, chúng ta có thể bảo vệ hành tinh quý giá của mình. Vì vậy, chúng ta hãy đoàn kết với nhau trong hai tuần diễn ra hội nghị COP26 và đảm bảo rằng những gì Paris đã hứa, Glasgow sẽ thực hiện”, ông Alok Sharma nói.
Tháng 8 vừa qua, Liên Hợp Quốc cảnh báo thế giới đang gần ở ngưỡng nguy hiểm của sự nóng lên nhanh chóng và con người phải chịu trách nhiệm do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong đó có cả dầu mỏ và khí đốt. Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi khỏi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để tránh gia tăng nhiệt độ toàn cầu một cách nguy hiểm nhất, song khẳng định điều này đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu ở mức độ lớn chưa từng có.
Lời cảnh tỉnh về biến đổi khí hậu
Phát biểu tại hội nghị, ông Sharma cho biết: “Chúng ta đã hoãn việc tổ chức COP26 trong vòng 1 năm. Nhưng biến đổi khí hậu thì không bao giờ trì hoãn. Báo cáo của IPCC chính là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta. Đèn đỏ đang nhấp nháy trên bảng điều khiển khí hậu”.
Bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC), lưu ý: “Chúng ta đang đứng ở một vị trí then chốt trong lịch sử. Chúng ta cần phải hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức không quá 1,5 độ C hoặc chấp nhận nhân loại sẽ phải đối mặt với một tương lai ảm đạm”.
Theo các nhà phân tích khí hậu, trước khi có Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thế giới đang tiến tới giai đoạn nóng lên toàn cầu ở mức 6 độ C - mức cực kỳ nguy hiểm.
Kể từ khi có hiệp định này và những cam kết cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trung bình của Trái Đất dự kiến sẽ tăng 2,7 độ C trong thế kỷ này. Tuy vậy, mức nhiệt này vẫn làm gia tăng sự tàn phá mà biến đổi khí hậu gây ra, chẳng hạn như sẽ có nhiều cơn bão hơn và nhiều người sẽ phải chịu tình trạng nắng nóng cực độ hay các đợt lũ lụt nghiêm trọng, các rạn san hô chết dần chết mòn, môi trường sống tự nhiên bị phá hủy.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự trở lại của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới là một điểm sáng tích cực cho hội nghị lần này, sau 4 năm nước Mỹ vắng bóng dưới thời cựu Tổng thống Trump. Nhưng giống như nhiều nhà lãnh đạo khác, Tổng thống Biden đến hội nghị mà không có bất cứ điều luật vững chắc nào để làm cơ sở cho các cam kết của ông. Hiện, Quốc hội Mỹ vẫn đang tranh cãi về kế hoạch “Xây dựng lại tốt hơn” với trị giá 1,75 nghìn tỷ USD mà ông Biden đưa ra, trong đó dành khoản kinh phí lớn nhất cho phát triển năng lượng sạch. Và cũng chưa rõ các cơ quan liên quan của Mỹ có thể cắt giảm mạnh việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hay không.
Thách thức từ cuộc khủng hoảng năng lượng
Ngoài bối cảnh địa chính trị đầy thách thức, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia, làm suy yếu các cam kết chống biến đổi khí hậu. Trung Quốc đã chuyển sang sử dụng than đá để ngăn chặn tình trạng thiếu điện. Còn châu Âu phải tìm cách gia tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên để đáp ứng nhu cầu của mình.
Cuối cùng, các cuộc đàm phán sẽ đặt ra câu hỏi về sự công bằng trong việc cắt giảm phát thải giữa các nước giàu - vốn chịu trách nhiệm cho việc phát thải một lượng lớn khí gây hiệu ứng dẫn đến biến đổi khí hậu và những nước nghèo - đang phải chật vật đối phó với những khó khăn về kinh tế.
Không giống như các hội nghị khí hậu trước đây, COP26 được cho là sẽ không tạo một hiệp ước hoặc một thỏa thuận lớn, mà sẽ có những thỏa thuận nhỏ nhưng quan trọng về cắt giảm khí thải, tài trợ và đầu tư chống biến đổi khí hậu.
Cuối cùng, sự thành công sẽ được đánh giá dựa trên việc liệu những thỏa thuận đó có tạo ra đủ động lực để duy trì mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C hay không. Điều đó đồng nghĩa với việc thế giới phải cắt giảm 45% một nửa lượng khí thải vào năm 2030 so với năm 2010 và hạ xuống mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050./.
Theo Hồng Anh/VOV.VN
(Biên dịch theo Reuters)