Parwana Malik – một bé gái 9 tuổi với đôi mắt đen và cặp má hồng, cười khúc khích với bạn bè khi chơi nhảy dây.
Nhưng tiếng cười của Parwana tắt lịm khi em về nhà – một căn lều nhỏ vách đất, nơi em được nhắc nhở về số phận của mình: sắp sửa bị bán cho một người lạ để làm cô dâu nhí.
Cô bé kể với CNN vào hôm 22/10/2021 rằng người đàn ông muốn mua em là một nam giới 55 tuổi nhưng với em, ông ta chẳng khác nào một cụ già với lông mày trắng phơ và bộ râu trắng rậm. Parwana lo lắng ông này sẽ đánh đập em và buộc em phải làm việc nhà.
Nhưng bố mẹ của Parwana cho biết, họ không có sự lựa chọn nào khác.
Trong 4 năm, gia đình của Parwana phải sống tại một trại tạm cư ở tỉnh Badghis, tây bắc Afghanistan. Họ sống dựa vào viện trợ nhân đạo và công việc phục dịch mang lại cho họ chỉ vài USD mỗi ngày. Đến khi Taliban lên nắm quyền tại quốc gia này vào ngày 15/8/2021, cuộc sống của họ lại càng thêm khó khăn.
Khi viện trợ quốc tế cạn kiệt và nền kinh tế Afghanistan sụp đổ, họ không đủ tiền để mua các nhu yếu phẩm như lương thực. Cha của Parwana đã bán chị gái 12 tuổi của em cách đây vài tháng.
Parwana nằm trong số nhiều trẻ em gái người Afghanistan bị bán làm vợ trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo xấu đi tại đây. Nạn đói đã đẩy một số gia đình Afghanistan đến chỗ phải thực hiện các quyết định đau lòng, đặc biệt trong bối cảnh mùa đông khắc nghiệt sắp tới.
Mohammad Naiem Nazem – một nhà hoạt động nhân quyền ở Badghis, nói: “Ngày này qua ngày khác, số lượng gia đình bán con cứ tăng dần lên. Việc thiếu lương thực, thiếu việc làm khiến các gia đình cảm thấy mình buộc phải làm vậy”.
Trằn trọc cả đêm
Abdul Malik – cha của Parwana, không ngủ nổi vào ban đêm. Trước khi bán con, anh có nói với CNN rằng anh tan nát cõi lòng, luôn cảm thấy có tội, xấu hổ và lo lắng.
Abdul từng nỗ lực tránh bán con. Anh tới thủ phủ tỉnh Qala-e-Naw để tìm việc làm nhưng không thành công. Anh thậm chí đã vay “rất nhiều tiền” từ người thân. Vợ anh cũng đã phải xin thức ăn của các cư dân khác trong trại.
Nhưng cuối cùng Abdul thấy rằng mình không còn sự lựa chọn nào khác nếu muốn nuôi sống cả gia đình. Anh nói với CNN: “Chúng tôi có 8 miệng ăn. Tôi phải bán cháu để đảm bảo các thành viên khác trong gia đình tiếp tục được sống”.
Abdul nói rằng số tiền thu được từ việc bán Parwana chỉ đủ để trang trại chuyện ăn uống của gia đình anh trong vài tháng trước khi phải tìm ra một giải pháp khác.
Parwana kể rằng em hy vọng thay đổi được quyết định của cha mẹ mình. Em từng hy vọng trở thành cô giáo và không muốn bỏ học. Nhưng những lời cầu xin của bé gái này đều vô hiệu.
Vào ngày 24/10/2021, người mua tên là Qorban đến nhà cô bé và trao 200.000 đồng Afghan (tương đương khoảng 2.200 USD) dưới dạng cừu, đất và tiền mặt cho cha của Parwana.
Qorban không coi vụ mua bán này là hôn nhân, chỉ nói mình đã có vợ, người sẽ chăm sóc Parwana như con ruột của cô ấy.
Qorban nói: “Parwana rẻ thôi mà, cha cô bé rất nghèo và cần tiền. Bé sẽ làm việc trong nhà tôi. Tôi sẽ không đánh đập cháu. Tôi sẽ đối xử với cháu như thành viên trong gia đình. Tôi sẽ tử tế với nó”.
Parwana hôm nay đội khăn màu đen và đeo vòng hoa cổ sặc sỡ. Bé che mặt và khóc thút thít khi cha bé đang khóc lóc nói với Qorban: “Đây là cô dâu của ông. Hãy chăm sóc con bé... Ông bây giờ chịu trách nhiệm về nó. Xin đừng đánh đập nó”.
Qorban nhất trí, rồi nắm tay Parwana dắt bé ra khỏi nhà. Cha bé đứng ở cửa dõi theo, Parwana cứ ghìm chân xuống đất và cố chạy đi nhưng vô dụng. Người ta đã kéo bé vào chiếc ô tô đang đợi rồi chiếc xe từ từ lăn bánh rời khỏi đây.
“Đại hồng thủy”
Kể từ khi Taliban lên nắm quyền, những câu chuyện như của bé Parwana ngày càng nhiều.
Mặc dù việc tổ chức kết hôn cho trẻ dưới 15 tuổi là bất hợp pháp trên toàn cõi Afghanistan, thực tế này đã tồn tại trong nhiều năm, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn của quốc gia Nam Á này. Và thực tế này càng mở rộng hơn nữa kể từ tháng 8/2021 do nạn đói trầm trọng.
Hơn một nửa dân số Afghanistan đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc được công bố vào tuần này. Và hơn 3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ đối diện với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính trong các tháng sắp tới. Trong khi đó, giá thực phẩm tăng vọt, ngân hàng cạn kiệt tiền, công nhân thì không được trả lương.
Gần 677.000 người đã phải thay đổi chỗ ở trong năm nay (2021) do chiến sự, theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về Điều phối Nhân đạo. Nhiều người trong số họ phải sống trong lều ở những trại tạm dành cho những đối tượng phải thay đổi chỗ ở như gia đình của Parwana.
Tình trạng này đặc biệt tệ hại với các bé gái Afghanistan – các em phải ở nhà và chứng kiến các anh trai, em trai trở lại trường trung học kể từ khi Taliban lên nắm quyền. Taliban cho biết, họ đang xây dựng kế hoạch để đưa trẻ em gái trở lại trường học nhưng không nói khi nào điều đó sẽ diễn ra và điều kiện là gì.
Tình trạng bất định nói trên kết hợp với đói nghèo gia tăng đã xô đẩy nhiều trẻ em gái vào thị trường hôn nhân.
Heather Barr thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, hễ khi nào ngừng học, bé gái sẽ có nguy cơ lớn bị bắt cưới chồng.
Và khi bị bán làm cô dâu, cơ hội của các bé gái được tiếp tục học tập hoặc theo đuổi một con đường độc lập là gần như bằng 0.
Thay vào đó, các bé gái sẽ đối mặt với tương lai mịt mùng hơn nữa. Không được tiếp cận các dịch vụ tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản, gần như 10% số em gái Afghanistan tuổi từ 15 đến 19 sinh con mỗi năm, theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA).
Nhiều bé gái còn quá trẻ nên không biết lựa chọn nói không với tình dục và sau đó gặp phải các biến chứng trong lúc sinh nở do cơ thể các em vẫn chưa phát triển đầy đủ. Theo UNFPA, tỷ lệ tử vong liên quan đến mang thai ở các cô gái từ 15-19 tuổi cao gấp hơn 2 lần phụ nữ trong độ tuổi từ 20-24.
“Cháu không muốn rời bỏ cha mẹ”
Magul, bé gái 10 tuổi ở tỉnh Ghor láng giềng, ngày nào cũng khóc khi bé sắp sửa bị bán cho một ông lão 70 tuổi để thanh toán khoản nợ của gia đình. Cha mẹ em vay 200.000 đồng Afghan (tương đương 2.200 USD) từ một người trong làng nhưng do thất nghiệp và không có khoản tiết kiệm nào nên họ không biết phải làm gì khác để trả nợ.
Người mua trước đó đã lôi cha của Magul, là Ibrahim, tới một nhà tù của Taliban và đe dọa sẽ khiến anh này phải vào tù vì không thanh toán được món nợ kia với ông ta. Ibrahim lúc đó hứa với ông này rằng mình sẽ thanh toán trong vòng một tháng nhưng đến nay thời gian đã hết.
Ibrahim nói: “Tôi chẳng biết phải làm gì đây. Kể cả nếu tôi không trao con gái cho ông ta thì ông ta vẫn cứ mang chúng nó đi”.
Gul Afroz, mẹ của Magul, cũng cảm thấy bất lực không kém. Chị nói, “tôi cầu nguyện với Allah rằng những tháng ngày đen tối này sẽ chóng qua đi”.
Giống như Qorban, người mua này tuyên bố ông ta sẽ không ngược đãi Magul và rằng cô bé sẽ đơn giản chỉ phải giúp nấu nướng và dọn dẹp trong nhà ông ta. Nhưng những lời hứa đó nghe khá trống rỗng khi trước đó ông ta đã hùng hổ đe dọa gia đình Magul thế nào.
Ngồi khóc sướt mướt trên nền nhà, Magul nói: “Cháu thực sự không muốn theo ông ấy. Nếu họ ép cháu đi, cháu sẽ tự sát. Cháu không muốn xa rời cha mẹ”.
Câu chuyện tương tự như trên xảy ra với một gia đình 9 thành viên ở tỉnh Ghor. Gia đình này đang phải bán 2 đứa con gái mới 4 tuổi và 9 tuổi. Người cha không có việc làm, đã vậy còn bị tàn tật nữa nên gặp rất nhiều khó khăn.
Người cha chuẩn bị bán 2 bé gái, mỗi bé có giá 100.000 đồng Afghan (tương đương 1.100 USD).
Bé gái Zaiton 4 tuổi có cặp mắt nâu to. Bé gái hiểu vì sao lại có cơ sự hiện nay: “Vì gia đình cháu nghèo, không có cái ăn”.
Rokhshana, người bà của bé, thì đau lòng đến quẫn trí. Bà nói trong nước mắt: “Nếu chúng tôi có cái để ăn, và có ai đó giúp chúng tôi, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ làm thế này... Chúng tôi không có sự lựa chọn nào cả”.
Viện trợ quốc tế cạn kiệt, nhiều gia đình tính bán đứa con thứ 2, thứ 3
Các thủ lĩnh Taliban địa phương ở Badghis cho biết họ có kế hoạch phân phối thực phẩm để ngăn tình trạng gia đình bán con gái. Mawlawai Jalaludin – phát ngôn viên Sở Tư pháp, tuyên bố: “Một khi chúng tôi thực hiện kế hoạch này, nếu họ tiếp tục bán con, chúng tôi sẽ tống họ vào tù”.
Nhưng vấn đề không chỉ giới hạn vào Badghis. Và khi mùa đông đến gần, cả Taliban lẫn các nhóm nhân đạo đều cầu xin thêm viện trợ, hy vọng điều này sẽ giúp ngăn chặn nạn tảo hôn.
Việc Taliban chiếm trọn Afghanistan vào thời điểm Mỹ và đồng minh rút lui khỏi đây đã thúc đẩy cộng đồng quốc tế ngưng viện trợ phát triển – nguồn tài chính này vốn rất quan trọng trong vực dậy nền kinh tế và các ngành dịch vụ then chốt của Afghanistan.
Các nước và các thể chế đa phương lưỡng lự về việc tiếp tục các cam kết do sợ tạo ra cảm giác hợp pháp hóa Taliban trong vai trò lực lượng lãnh đạo Afghanistan.
Các nhà tài trợ của Liên Hợp Quốc cam kết hơn 1 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho Afghanistan vào tháng 9/2021, trong đó 606 triệu USD là để đáp ứng nhu cầu cấp bách nhất của Afghanistan. Nhưng Afghanistan mới chỉ nhận được chưa đến một nửa trong số đó. Một số nước thành viên thậm chí chưa thanh toán.
Quay trở lại với trại tạm trú ở Badghis. Abdul không ảo tưởng gì về tương lai của con gái sau khi được bán đi cũng như tương lai của chính gia đình anh. Dù Qorban hứa sẽ chỉ sử dụng con gái của Abdul như một lao động chứ không phải cô dâu, Abdul hiểu rằng mình không thể kiểm soát được những gì sẽ xảy ra với cô bé nữa.
Mùa đông khắc nghiệt đang đến dần, tuyết bắt đầu rơi ở một số nơi trên đất nước Afghanistan. Tiền từ việc bán bé Parwana đang cạn dần, và Abdul sẽ phải quay trở lại vạch xuất phát. Danh sách còn lại của anh gồm 3 cô con gái và 1 cậu con trai. Abdul nói: “Tôi sẽ phải bán thêm một đứa con gái nữa nếu tình hình tài chính của tôi không cải thiện, có lẽ sẽ bán đứa 2 tuổi”./.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch
Nguồn: CNN