Mặt khác, Bắc Kinh không vội vã thừa nhận chính quyền Taliban.
Lô hàng 45 tấn hạt thông của Afghanistan đến sân bay quốc tế Thượng Hải đầu tuần trước cho thấy những bước đi đầu tiên của Trung Quốc trong việc khôi phục các hoạt động thương mại với Afghanistan, mặc dù cho tới nay Bắc Kinh vẫn chưa chính thức công nhận chính phủ lâm thời Taliban.
Các nhà quan sát Trung Quốc nói rằng, 45 tấn hạt thông – lô hàng đầu tiên được xuất khẩu sang Trung Quốc kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan ngày 15/8 – có thể mở đường cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa Bắc Kinh và Kabul
Đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan Wang Yu, tham dự một buổi lễ tại sân bay Kabul cùng các quan chức Taliban, thông báo trên Twitter về lô hàng cập cảng sân bay Pudong.
“Số tiền thu về có thể lên tới hàng trăm triệu USD, đem lại lợi ích lớn cho nhiều nông dân Afghanistan. Những hạt thông nhỏ đem lại niềm vui cho người dân Afghanistan, món ngon cho người Trung Quốc và ‘hàng lang không vận hạt thông’ là sợi dây quan trọng của tình bằng hữu giữa hai nước”, ông cho biết.
Đại sứ Wang nói rằng hai bên đã “vượt qua rất nhiều khó khăn” để thực hiện chuyến bay này.
“Trung Quốc chắc chắn theo đuổi chính sách bằng hữu với tất cả người dân Afghanistan, bên cạnh các đợt viện trợ nhân đạo cho Afghanistan” ông Wang nói, đồng thời cho biết thêm hàng chục nghìn tấn hạt thông sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc trong những tháng tới.
Đại sứ Wang nói rằng, Trung Quốc đã và đang gửi hàng viện trợ nhân đạo khẩn cấp, trong đó có chăn, áo khoác, thuốc men tới Afghanistan bằng đường sắt từ Tân Cương.
“Phao cứu sinh” cho nền kinh tế Afghanistan
Trung Quốc, khách hàng lớn nhập khẩu hạt thông Afghanistan, đã thiết lập hành lang vận tải hàng không với Afghanistan từ năm 2018 khi chính phủ được Mỹ hậu thuẫn thời điểm đó đang tìm cách bù đắp thâm hụt thương mại bằng cách đưa Afghanistan từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một quốc gia xuất khẩu.
Kể từ đó, hàng chục nghìn tấn hạt thông – còn được gọi là “vàng xuất khẩu” của Afghanistan – đã được đưa tới Trung Quốc thông qua hành lang hàng không mỗi mùa thu hoạch, thường bắt đầu vào tháng 9 hàng năm. Năm 2018, ước tính 23.000 tấn hạt thông đã được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Một năm sau đó, hai bên ký thỏa thuận theo đó Trung Quốc dự kiến tăng khối lượng nhập khẩu hạt thông lên 62.000 tấn trong 5 năm tiếp theo, động thái được xem như một phần nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ổn định Afghanistan – điều mà Trung Quốc coi là thiết yếu đối với an ninh và ổn định của tỉnh Tân Cương phía tây nước này.
Thương mại giữa hai nước đã bị gián đoạn đáng kể kể từ năm 2020 do đại dịch Covid-19 cũng như xung đột leo thang giữa Taliban với lực lượng chính phủ khi đó.
Ông Zhang Weiwei, một chuyên gia nghiên cứu về Afghanistan tại Đại học Lan Châu, nói rằng việc khôi phục thương mại hạt thông là một quyết định “thực tế và hợp lý về kinh tế” đối với cả Trung Quốc và Afghanistan.
“Điều đó có thể đặt nền tảng cho sự phát triển sâu rộng hơn quan hệ giữa 2 bên. Việc khôi phục, phát triển và đẩy mạnh thương mại nông nghiệp có thể giúp giảm sản xuất thuốc phiện ở Afghanistan và thúc đẩy các mối quan hệ thương mại và kinh tế song phương”, ông Zhang nói.
Hạt thông Afghanistan lâu nay đã rất nổi tiếng ở thị trường Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với Kênh tin tức tiếng Anh WION của Ấn Độ, quyền Bộ trưởng thương mại và công nghiệp Taliban Nooruddin Azizi nói rằng chính phủ lâm thời hỳ vọng xuất khẩu hạt thông có thể giúp khôi phục nền kinh tế Afghanistan.
Công cụ gây ảnh hưởng của Trung Quốc
Afghanistan đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế, các tài sản ở Mỹ bị đóng băng và phần lớn viện trợ nước ngoài bị đình chỉ. Một báo cáo gần đây của Chương trình Lương thực Thế giới và Tổ chương Lương Nông Liên Hợp Quốc cảnh báo, hơn một nửa dân số 40 triệu người của Afghanistan có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng trong mùa đông năm nay.
Bắc Kinh vẫn chưa chính thức công nhận chính phủ Taliban và tuyên bố sẽ không phải là nước đầu tiên làm điều đó, nhưng Trung Quốc đang thận trọng từng bước tăng cường làm việc với chính phủ lâm thời ở Afghanistan.
Trong chuyến thăm tới Doha 2 tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp một phái đoàn do Phó Thủ tướng lâm thời Mullah Abdul Ghani Baradar và quyền Ngoại trưởng Amir Khan Muttaqi. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa quan chức hai bên kể từ khi Taliban kiểm soát quyền lực ở Kabul 2 tháng trước đó.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng hai bên “đã thảo luận các mối tương tác song phương và nhất trí thiết lập một cơ chế cấp chuyên viên”, dù chi tiết cụ thể không được tiết lộ. Sau cuộc gặp, một video đăng tải trên trang Facebook của Công đoàn hạt thông Afghanistan cho thấy ông Muttaqi tặng quà cho Ngoại trưởng Trung Quốc là một hộp hạt thông Afghanistan.
“Thương mại có thể ảnh hưởng đến chính quyền Taliban mới và là công cụ chính sách quan trọng để đưa họ hướng tới hòa bình và rời xa chủ nghĩa khủng bố. Thương mại cũng có thể giúp làm giảm tác động của cuộc khủng hoảng trên diện rộng mà người dân Afghanistan đang phải đối mặt”, ông Zhang cho biết.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Afghanistan, sau Pakistan và Iran, tuy nhiên thương mại song phương vẫn còn hạn chế và chủ yếu chỉ ở các sản phẩm nông sản trong đó có nhụy hoa nghệ tây và quả lựu. Năm 2020, thương mại song phương chỉ ở mức 550 triệu USD, chưa đến 0,01% tổng khối lượng thương mại hàng hóa của Trung Quốc.
Là một trong số ít các nước thiết lập liên lạc với Taliban sau khi lực lượng này kiểm soát Afghanistan, Trung Quốc cũng là nước đầu tiên cam kết viện trợ nhân đạo cho quốc gia Nam Á kể từ sau cuộc tiếp quản giữa tháng 8.
Hồi tháng 9 vừa qua, Trung Quốc cho biết nước này đã tài trợ 200 triệu nhân dân tệ (31 triệu USD) hàng viện trợ, trong đó có thực phẩm và vaccine ngừa Covid-19 cho Afghanistan./.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo SCMP