Khủng hoảng cũ ở nơi mới

Khủng hoảng cũ giờ bùng phát ở nơi mới đối với EU nên cũng có những khác biệt khá cơ bản.

 

Người di cư và tỵ nạn tụ tập ở vùng biên giới giữa Belarus và Ba Lan với mục đích nhập cảnh vào Ba Lan khiến cho EU sau 6 năm lại phải trực diện với vấn đề người di cư và tỵ nạn. Trên danh nghĩa, diễn biến mới này là sự lặp lại cuộc khủng hoảng cũ đối với EU, xảy ra hồi năm 2015 ở vùng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các thành viên EU là Hy Lạp và Bulgaria. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và ứng cử viên gia nhập EU từ nhiều năm nay. Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU nói chung và với Hy Lạp nói riêng tuy có trắc trở nhưng không đến mức độ thù địch. Ngoài ra, bản thân Hy Lạp hay Bulgaria đều không vướng mắc gì với EU.

Khủng hoảng cũ giờ bùng phát ở nơi mới đối với EU nên cũng có những khác biệt khá cơ bản. Những người từ các nước ở khu vực vùng Vịnh, châu Phi và từ Afghanistan tìm cách nhập cảnh vào EU hệt như hồi năm 2015. Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã có thoả thuận ngăn dòng người này vượt qua biên giới di cư vào EU nên người di cư và tỵ nạn bây giờ tìm mọi cách đến Belarus và vượt biên giới nước này nhập cảnh vào Ba Lan, đương nhiên là không được sự chấp thuận của Ba Lan.

Người di cư tập trung tại hàng rào biên giới giữa Ba Lan và Belarus. (Ảnh: Reuters)Ba Lan hiện tại ở trong tình trạng như Hy Lạp và Bulgaria hồi năm 2015 nên cũng tìm mọi cách để ngăn chặn dòng người này xâm nhập vào Ba Lan, cho dù biết rằng đích đến của người tỵ nạn và di cư không phải là Ba Lan mà là một vài nước thành viên khác của EU. Chính phủ Ba Lan đã điều động cả quân đội đến vùng biên giới với Belarus và triển khai dây dựng hàng rào - chưa phải bức tường - biên giới để ngăn chặn. Phía Ba Lan cũng yêu cầu EU hỗ trợ tài chính để xây dựng hàng rào biên giới trong khi khước từ những gợi ý sẵn sàng trợ giúp khác từ phía EU. Mối quan hệ giữa EU và Belarus nói chung và giữa Ba Lan với Belarus nói riêng trở nên căng thẳng hơn. Belarus được Nga hậu thuẫn trong các chuyện quan hệ của Belarus với EU và NATO nên quan hệ giữa EU và Ba Lan với Nga vì cuộc khủng hoảng tỵ nạn và di cư mới này mà cũng thêm phức tạp.

EU gặp khó trong chuyện mới này trên nhiều phương diện. EU không công nhận Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và tiến hành nhiều biện pháp chính sách trừng phạt ông Lukashenko và cộng sự trong chính quyền Belarus. Vì thế, EU giờ không thể tiến hành đàm phán trực tiếp với chính quyền Belarus để xử lý khủng hoảng như hồi năm 2015 với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. EU có trách nhiệm hậu thuẫn Ba Lan ngăn chặn dòng người tỵ nạn và di cư từ phía Belarus vượt biên giới xâm nhập vào Ba Lan nhưng lại không thể chi tiền giúp Ba Lan xây dựng hàng rào biên giới giữa Ba Lan với Belarus vì dùng hàng rào vật lý phong tỏa biên giới ngăn chặn người tỵ nạn và di cư trái ngược với quan điểm, chính sách và nguyên tắc chung của EU về dân chủ, nhân quyền và nhân đạo.

Cuộc khủng hoảng di cư và tỵ nạn hiện tại vừa gây khó khăn và khó xử nhưng cũng lại vừa có lợi cho chính phủ Ba Lan. Sẽ rất nguy hại cho Ba Lan nếu chuyện này diễn biến vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các bên liên quan. Nhưng hiện tại, chính phủ Ba Lan có cơ hội để thể hiện là chính phủ mạnh, kiên định mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia, bản lĩnh và năng lực xử lý khủng hoảng. Chuyện thời sự như thế ở Ba Lan và châu Âu giúp chính phủ Ba Lan bớt khó khăn và khó xử trong đối nội và trong những khúc mắc hiện tại giữa Ba Lan và EU. Phía Ba Lan còn có thể tận dụng chuyện này để xoay chuyển thế cục giữa EU và Ba Lan, cụ thể là chuyển từ chỗ bị EU trừng phạt do không tuân thủ quy định chung của EU về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền cũng như về môi trường sinh thái (vụ việc khai thác than ở vùng giáp nước Đức) sang tình thế EU phải luỵ Ba Lan để không lặp lại tình trạng người tỵ nạn và di cư tràn vào EU như hồi năm 2015. EU lại một lần nữa mục sở thị sự phá sản của chính sách tỵ nạn và di cư./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận