COP26: Nỗ lực và kỳ vọng cho mục tiêu giảm khí phát thải toàn cầu

Hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow.

 

Với vai trò là nước chủ trì COP26, nước Anh đã công bố dự thảo đầu tiên về tuyên bố chung của hội nghị. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới cũng đã ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, cam kết sẽ xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Những cam kết được đưa ra tại hội nghị        

Sau gần 2 tuần làm việc, Hội nghị COP26 đã đưa ra được một số cam kết quan trọng và nếu các cam kết này được các nước thực hiện đúng như đã hứa thì cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ đạt được bước tiến lớn trong 1 thập kỷ tới. Cụ thể như sau: Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về vấn đề rừng và việc sử dụng đất, theo đó 137 nhà lãnh đạo các quốc gia đã cam kết hành động để ngăn chặn việc phá rừng cũng như xói mòn đất vào năm 2030.

Tuyên bố này tương tự như tuyên bố đã được đưa ra tại New York trước đó nhưng tại COP26, một số quốc gia lớn đã đồng ý ký vào Tuyên bố, trong đó đáng kể nhất là Trung Quốc và Brazil, hai trong số những quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn nhất thế giới cũng như có diện tích rừng đặc biệt quan trọng với Trái đất. Nếu 137 quốc gia thực hiện cam kết này đầy đủ, giới chuyên gia môi trường ước tính lượng khí thải carbon cắt giảm được sẽ vào khoảng 1,1 tỷ tấn.

Quang cảnh Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) tại thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh ngày 31/10. (Ảnh: Reuters)

Cam kết quan trọng thứ hai là việc 108 nước, trong đó có Mỹ và EU, cam kết với sáng kiến cắt giảm khí metan, loại khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai sau khí CO2. Mục tiêu được đưa ra là giảm được 30% lượng khí mê-tan trên toàn cầu từ nay đến 2030. Khi đó, lượng khí thải được cắt giảm sẽ tương đương 0,8 tỷ tấn CO2. Nếu các nước còn lại cũng tham gia vào cam kết này, lượng cắt giảm có thể tăng lên gấp 7 lần.

Cam kết quan trọng tiếp theo là về việc chuyển đổi năng lượng từ than đá sang các nguồn năng lượng sạch khác, theo đó từ những năm 2030 các nền kinh tế lớn sẽ dần chấm dứt việc sử dụng than đá còn các nền kinh tế đang phát triển sẽ bắt đầu từ những năm 2040. Ngoài ra, 46 nước tham gia ký kết tuyên bố này cũng cam kết ngừng toàn bộ việc hỗ trợ tài chính cho các dự án điện than trong và ngoài nước. Cam kết về việc dần dần chấm dứt sử dụng than đá có thể cắt giảm lượng khí thải tương đương 0,2 tỷ tấn CO2 và nếu toàn bộ các nước OECD hay các nước sản xuất than đá lớn, như Australia, cũng tham gia ký kết thì lượng cắt giảm có thể tăng gấp 10 lần. Cuối cùng, một cam kết quan trọng khác là việc 22 quốc gia cam kết đến năm 2035 toàn bộ các xe hơi và xe tải được sử dụng sẽ là xe không khí thải. Cam kết này có thể cắt giảm 0,1 tỷ tấn CO2.

Về tổng thể, dù chưa có những cam kết, thỏa thuận đột phá lịch sử nhưng đến thời điểm này có thể nói COP26 cũng đã ghi nhận nhiều bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và toàn bộ các cam kết được đưa ra có thể giúp nhân loại tiến gần hơn 9% đến mục tiêu giữ cho trái đất không nóng thêm quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ 21. Dù đây là một bước tiến còn khiêm tốn nhưng cho thấy các nước vẫn đang đi đúng hướng và khả năng cải thiện mục tiêu này vẫn còn tương đối lớn.

Thỏa thuận lịch sử của Mỹ và Trung Quốc

Hôm 10/11, Trung Quốc và Mỹ bất ngờ công bố Tuyên bố chung về việc hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cụ thể là trong các lĩnh vực như phát triển các công nghệ phi carbon, giảm phát thải khí metan và chống phá rừng. Hai bên cũng thống nhất lập các nhóm làm việc chung, thảo luận với nhau thường xuyên để thúc đẩy các biện pháp cụ thể trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tuyên bố này có ý nghĩa rất lớn, vì nhiều lí do. Đầu tiên, Trung Quốc và Mỹ chính là hai nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới hiện nay, chiếm hơn 1/3 lượng khí phát thải toàn cầu. Do đó, việc hai nước này hợp tác cùng nhau chống biến đổi khí hậu có ý nghĩa quyết định, thậm chí là sống còn, đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của toàn thế giới.

Thứ hai, quan trọng hơn, đó là ý nghĩa về mặt địa chính trị. Trong thời gian qua, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc rơi vào thế đối đầu căng thẳng nhất trong vài thập kỷ trong mọi chủ đề, từ chiến tranh thương mại, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, căng thẳng và leo thang quân sự quanh eo biển Đài Loan cho đến các chỉ trích, cáo buộc nhằm vào nhau về nhân quyền.

Cuộc cạnh tranh siêu cường mang dáng dấp của Chiến tranh Lạnh này đã khiến cho các hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực môi trường rơi vào bế tắc. Trong vài tháng qua, các chuyến thăm của Đặc phái viên Mỹ về khí hậu, ông John Kerry, đến Trung Quốc đều kết thúc thất bại khi phía Trung Quốc từ chối tách vấn đề khí hậu khỏi bối cảnh chung của quan hệ Mỹ-Trung.

Trong khi đó, môi trường là lĩnh vực hiếm hoi mà Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác và bắt buộc phải hợp tác, vì lợi ích chung của nhân loại. Giới chuyên gia môi trường đã nhận định, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ không thể thành công nếu thiếu sự hợp tác của Trung Quốc.

Do đó, việc Mỹ và Trung Quốc bất ngờ ra Tuyên bố chung cam kết hợp tác là một tín hiệu rất đáng mừng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nó cho thấy tạm thời cả Mỹ và Trung Quốc đều cố gắng gạt các mâu thuẫn gay gắt sang một bên để cùng nhau ứng phó với thách thức chung của nhân loại. Mỹ và Trung Quốc là siêu cường, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nên nếu hai bên thực thi các cam kết đã đưa ra thì thế giới cũng sẽ có một nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực cực kỳ to lớn để thúc đẩy các mục tiêu tham vọng trong Thỏa thuận Paris 2015. Tuy nhiên, sự lạc quan này cần phải thể hiện một cách thận trọng bởi cuộc cạnh tranh siêu cường Mỹ-Trung vẫn còn rất nhiều điều bất trắc và khó lường trước mắt.

Vai trò của Anh tại COP26

Với vai trò là nước chủ nhà của COP26, Anh đã rất cố gắng thúc đẩy, gây sức ép để các nước đưa ra các bản cam kết giàu tham vọng tại COP26. Bản thân chính phủ Anh cũng đã công bố một chiến lược môi trường được đánh giá là đầy đủ và nhiều tham vọng nhất trong số các nước G20. Tuy nhiên, các cam kết quan trọng đã đạt được tại COP26 cho đến thời điểm này là công sức, nỗ lực của toàn bộ các quốc gia, của Liên hiệp quốc, của các tổ chức môi trường, các tổ chức dân sự. Và các cam kết này cũng là kết quả của rất nhiều năm đấu tranh, đàm phán giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Trong vai trò chủ nhà, nhiệm vụ của của nước Anh là thúc đẩy các nỗ lực đó, tạo các điều kiện thuận lợi nhất để các nỗ lực đó thành công. Tuy nhiên, không thể nói là nước Anh đã có vai trò lớn hay quyết định trong các nỗ lực này. Trước thềm COP26, Anh đã không thuyết phục được Trung Quốc tham gia tích cực và tham vọng hơn vào COP26.

Việc hai nước Mỹ-Trung Quốc ra tuyên bố chung đầy bất ngờ để thúc đẩy COP26 đạt được các bước tiến lớn vào phút cuối cũng là động thái từ riêng Mỹ-Trung, không phải từ nỗ lực của Anh. Vai trò của cá nhân Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng không được đánh giá quá cao, sau các ầm ĩ về việc đi máy bay từ Glasgow về London ngay sau lễ khai mạc, và gần đây là các tai tiếng về tham nhũng trong nội bộ đảng Bảo thủ.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi COP26 khép lại với một kết quả cụ thể có thể có đột phá vào phút chót, chính phủ Anh cũng đã công bố một dự thảo Tuyên bố chung của COP26 tương đối tích cực, trong đó ghi nhận việc các nước đến cuối năm 2022 sẽ công bố chi tiết các kế hoạch để thực hiện các cam kết đưa ra tại COP26. Có thể nói, COP26 cho đến lúc này không phải là một thất bại nhưng cũng không phải thành công lớn của chính phủ Anh.   

Trong lúc này, tranh cãi giữa Anh với EU xoay quanh điều khoản Bắc Ireland trong hồ sơ Brexit, việc Anh đe dọa đơn phương hủy bỏ thỏa thuận Brexit, rồi tranh chấp nghề cá leo thang giữa Anh và Pháp, rạn nứt sau vụ Aukus… khiến cho hình ảnh chung của nước Anh thời hậu Brexit không thực sự khả quan như các tuyên bố đầy tham vọng về một nước Anh toàn cầu mà chính phủ Anh đưa ra sau khi rời EU./.

Quang Dũng/ VOV-Paris

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận