Trong khi đó, Moscow tuyên bố đây là vấn đề nội bộ của Nga, đồng thời cáo buộc Mỹ và phương Tây đang làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng.
Thông điệp cứng rắn của Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin có một thông điệp dành cho Mỹ và các đồng minh: Moscow sẽ không chấp nhận sự mở rộng của các lực lượng NATO vào Ukraine.
Đó là những gì ông Putin nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel và các quan chức phương Tây khác trong những ngày gần đây khi các nhà lãnh đạo châu Âu cảnh báo ông về việc Nga một lần nữa tập trung xe tăng và binh sĩ gần biên giới với Ukraine.
Tại Moscow, các quan chức cấp cao và những nhân vật thân cận với nhà lãnh đạo Nga nói rằng Điện Kremlin muốn tuyên bố rõ ràng rằng bất kỳ bước tiến nào của phương Tây về việc cung cấp vũ khí hoặc mở rộng các cơ sở quân sự ở Ukraine sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” của Nga.
Tháng trước, ông Putin cáo buộc NATO đe dọa Nga bằng việc mở rộng quân sự vào Ukraine. Ngày 13/11, nhà lãnh đạo Nga cho biết, Mỹ và NATO đang tiến hành một chiến dịch gây sức ép đối với Moscow bằng các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đen cũng như hỗ trợ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) ở miền Đông Ukraine.
“Có vẻ như chúng tôi không được phép thư giãn. Vậy thì hãy cho họ biết rằng chúng tôi không hề nghỉ ngơi”, ông Putin nói trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình của Nga ngày 13/11.
Nga không có ý định chiến tranh, nhưng sẵn sàng nếu cần thiết
Việc Nga một lần nữa điều động binh sĩ và khí tài tới gần biên giới với Ukraine khiến Mỹ lo ngại về một cuộc tấn công nhằm vào Kiev. Dù vậy, các nguồn tin thân cận với nhà lãnh đạo Nga cho biết, nước này không có ý định bắt đầu chiến tranh với Ukraine, nhưng Moscow muốn thể hiện sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần thiết.
Đối với Tổng thống Putin, viễn cảnh các lực lượng NATO ở trên đất Ukraine là một kịch bản ác mộng mà ông sẽ làm bất cứ điều gì để ngăn chặn. Những tuyên bố gần đây của Mỹ về vấn đề này cùng với việc Ukraine sử dụng UAV do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất ở Donbass là những dấu hiệu đáng báo động.
Ông Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga cho biết: “Nga sẽ gây áp lực khi có thể. Nga quan tâm đến các hoạt động của NATO ở Ukraine. Đây là một biện pháp phòng ngừa”.
Lần gần đây nhất Nga điều động binh sĩ và khí tài quy mô lớn tới gần biên giới với Ukraine là vào tháng 4/2021. Điện Kremlin thông báo rút lực lượng sau khi Tổng thống Mỹ Biden điện đàm với Tổng thống Putin và đồng ý tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 6.
Lần này, Mỹ đã cảnh báo các đối tác châu Âu về nguy cơ xảy ra một chiến dịch quân sự mới, mặc dù số lượng binh sĩ dường như thấp hơn rất nhiều so với khoảng 100.000 binh sỹ trong đợt điều động của Nga hồi đầu năm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 12/11 cho biết ông có kế hoạch trao đổi với Tổng thống Putin trong những ngày tới về cuộc khủng hoảng Ukraine. Cùng ngày, bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Pháp đã thảo luận với những người đồng cấp Nga trong một cuộc họp ở Paris rằng bất kỳ cuộc tấn công mới nào vào Ukraine sẽ gây ra “hậu quả nghiêm trọng”.
Trong khi đó, Người phát ngôn Dmitry Peskov bác bỏ các báo cáo về những lo ngại của Mỹ về khả năng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine. Ông Peskov gọi đây là “những nỗ lực sáo rỗng và vô căn cứ nhằm làm trầm trọng thêm căng thẳng”, đồng thời tái khẳng định việc điều động binh sĩ bên trong lãnh thổ là vấn đề nội bộ của Nga.
“Sự hiện diện của quân đội Nga gần biên giới cho phép chúng tôi đề phòng rủi ro. Đó là một sự răn đe”, Bà Svetlana Zhurova, Phó Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Quốc tế tại Hạ viện Nga cho biết.
Một quan chức tình báo cấp cao phương Tây cho biết, ý định của Nga vẫn chưa rõ ràng, nhưng việc điều động lực lượng đủ gần biên giới để có thể sử dụng nhanh chóng khiến Mỹ và các đồng minh phải cân nhắc mọi khả năng.
“Tôi không thể đoán trước ý định của Nga. Chúng tôi không biết đó là gì. Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu Nga lặp lại những gì họ đã làm vào năm 2014”, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết ngày 12/11.
“Leo thang quân sự” từ cả 2 phía
Mặc dù Ukraine không phải là thành viên NATO và không có lực lượng nào của NATO đồn trú tại nước này, phía Moscow vẫn cho rằng mối liên kết quân sự chặt chẽ hơn giữa Mỹ và các đồng minh với Kiev là dấu hiệu đáng lo ngại.
Trong chuyến thăm Kiev vào ngày 19/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết “không có quốc gia thứ ba nào có quyền phủ quyết đối với các quyết định [kết nạp] thành viên của NATO”.
Tuần trước, Nga lên tiếng chỉ trích các hoạt động của tàu chiến phương Tây ở Biển Đen và máy bay trinh sát dọc biên giới nước này.
“Có sự leo thang quân sự ở cả hai bên. Nga đang phát đi tín hiệu rằng dù Ukraine có tăng cường tiềm lực quân sự đến đâu thì cũng không thể chiến thắng trong cuộc chiến này”, ông Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng - cơ quan tư vấn cho Điện Kremlin, cho biết.
Theo công ty tình báo quốc phòng Janes có trụ sở tại London, Anh, trái ngược với cuộc điều động công khai vào tháng 4, động thái mới của Nga lại được thực hiện trong bí mật, thường diễn ra vào ban đêm và do các đơn vị bộ binh tinh nhuệ thực hiện,. Hiện Nga vẫn đang tiếp tục điều động thêm xe tăng, pháo tự hành, xe chiến đấu bộ binh và binh lính đến các khu vực gần Ukraine.
Dù vậy, các quan chức và nhà phân tích ở Moscow thừa nhận, rủi ro đối với Nga về một cuộc tấn công quân sự là không nhỏ và có thể dẫn tới các đòn trừng phạt kinh tế mới.
Ông Vladimir Frolov, một cựu quan chức ngoại giao Nga, hiện là nhà phân tích chính sách đối ngoại có trụ sở tại Moscow, cho rằng, động thái của Nga đã đạt được mục đích khi thu hút sự chú ý của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Nga đã tái triển khai lực lượng theo cách có thể hành động quân sự nhanh chóng. Nhưng hiện giờ vẫn chưa có dấu hiệu chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn ngay lúc này”, ông Frolov nói.
Trong khi đó, việc Ukraine sử dụng UAV nhằm vào lực lượng ly khai ở miền đông nước này là vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận hiện có và có thể là một động thái khác dẫn đến leo thang xung đột quân sự./.
Theo VOV.VN