Chuyến công du Tây Phi dài ngày vừa rồi của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken vừa đưa lại bằng chứng về việc chính quyền Mỹ tìm kiếm chính sách và chiến lược thích hợp đối với châu Phi vừa bộc lộ mức độ khó khăn đối với Mỹ trong công cuộc chinh phục châu lục này.
Ông Blinken tới Kenya, Nigeria và Somalia, chỉ ba nơi thôi ở vùng Tây Phi nhưng phải trực diện đầy đủ hết mọi vấn đề và thách thức mà Mỹ phải ứng phó ở châu Phi: Khủng bố và dân chủ nhân quyền, khí hậu trái đất và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, cạnh tranh chiến lược với một số đối tác bên ngoài châu lục, đặc biệt với Trung Quốc về kinh tế, thương mại, đầu tư và với Nga về chính trị quân sự và an ninh, nội chiến ở Ethiopia và chính biến ở Sudan, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và cướp biển,... Nếu không gây dựng và tăng cường vai trò và ảnh hưởng mang tính quyết định trong việc ứng phó những vấn đề này ở châu lục thì chính quyền mới ở Mỹ không thể thành công với việc thể hiện được cả ở châu Phi chủ trương và định hướng chính sách cầm quyền của ông Biden là đưa "Nước Mỹ trở lại với thế giới".
Xưa nay, châu Phi luôn luôn là khu vực vốn không được các thời chính quyền ở Mỹ dành cho ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại. Các tổng thống Mỹ như Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đều đưa ra chiến lược lớn và kế hoạch đầy tham vọng cho quan hệ của Mỹ với các nước châu Phi, nhưng rồi triển khai thực hiện chẳng đâu vào đâu. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn gần như chẳng để ý gì đến châu lục này. Ông Biden và cộng sự trong chính quyền mới ở Mỹ giờ chịu áp lực và sự cần thiết bức bách hơn hẳn những người và chính quyền tiền nhiệm trong chuyện chinh phục châu Phi bởi ba lý do và lợi ích chiến lược.
Thứ nhất, nếu thật sự muốn làm cho thiên hạ tin vào chủ ý đưa "Nước Mỹ trở lại với thế giới" thì ông Biden và cộng sự phải chinh phục cả châu Phi. Thứ hai, tất cả những chủ đề nội dung trọng tâm được ông Biden đưa ra trong cương lĩnh cầm quyền đều thuộc diện những vấn đề nổi cộm hiện tại ở châu Phi trên nhiều phương diện khác nhau. Chẳng hạn như vấn đề khí hậu trái đất hay chống khủng bố hoặc đề cao dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền... đều ràng buộc thành bại cầm quyền của ông Biden ở Mỹ với thành bại của chính quyền của ông Biden trong công cuộc chinh phục châu Phi. Thứ ba là ông Biden buộc phải đẩy mạnh cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ trên mọi phương diện với Trung Quốc và Nga ở châu Phi, với Trung Quôc đặc biệt về hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư, trong khi với Nga chủ yếu về chính trị thế giới, quân sự và an ninh.
Ông Blinken xem ra đã nhận thức được là cuộc chinh phục châu lục khó thành công như thế nào đối với Mỹ. Cho nên những phát biểu của người này trong chuyến đi đều mới chỉ hàm ý cụ thể duy nhất là chính quyền mới ở Mỹ thật sự coi trọng châu lục và muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với châu lục cũng như xác nhận là phía Mỹ hiện vẫn đang ở trong quá trình hoạch định chính sách và chiến lược riêng đối với châu Phi.
Nhận thức rõ về hạn chế trong khả năng, ý thức đầy đủ hơn về sự bức bách của thời thế, đặc biệt về việc không thể phó mặc châu Phi là sân chơi riêng của Trung Quốc và Nga về vị thế, vai trò và ảnh hưởng thế giới có lẽ là những kết quả cụ thể nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất đối với ông Blinken và chính quyền mới ở Mỹ từ chuyến công du Tây Phi vừa qua của ông Blinken. Nếu không tiếp tục truyền thống đánh trống bỏ dùi của các thời trước trong chính sách đối với các nước châu Phi thì ông Biden và cộng sự phải hoạch định xong càng nhanh càng có lợi cho Mỹ trong chính sách và chiến lược mới đối với châu Phi./.
Hoàng Lan