Việc Nam Phi thông báo phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn biến thể Delta, đã gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia ngay lập tức áp đặt hạn chế đi lại hoặc cấm du khách đến từ một số quốc gia ở miền Nam châu Phi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/11 cho biết, cơ quan này đã đặt cho biến thể B.1.1.529 tên gọi Omicron.
B.1.1.529 đang lây lan nhanh chóng tại nhiều vùng ở Nam Phi và các nhà khoa học lo ngại với số lượng đột biến cao bất thường, nó có thể né tránh được phản ứng miễn dịch của cơ thể. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu cho biết, có nguy cơ “từ cao đến rất cao” rằng biến thể mới sẽ lây lan ở châu Âu.
Nhóm cố vấn kỹ thuật của WHO nghiên cứu về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 (TAG-VE) đã nhóm họp ngày 26/11 để thảo luận về biến thể mới này. Các cố vấn đã khuyến nghị WHO chỉ định B.1.1.529 là “biến thể đáng lo ngại”, đề cập số lượng lớn các đột biến, khả năng tái nhiễm và nhiều nguy cơ khác. WHO cũng kêu gọi các quốc gia tăng cường nỗ lực giám sát và giải trình tự gen để hiểu rõ hơn về các biến mới của virus SARS-CoV-2.
Biến thể mới nguy hiểm ra sao?
Lawrence Young, nhà virus học tại Trường Y Warwick ở Vương quốc Anh cho biết: “Đây là biến thể đột biến mạnh mẽ nhất của virus SARS-CoV-2 mà chúng tôi từng biết. Nó không chỉ mang một số thay đổi mà chúng tôi đã thấy ở các biến thể trước đó mà còn có thêm nhiều đột biến mới”.
Các nhà khoa học giải trình tự gen virus tại Nam Phi cho biết, B.1.1.529 có tổng cộng khoảng 50 đột biến. Đáng chú ý là hơn 30 đột biến được tìm thấy trong protein gai - bộ phận mà virus dùng để xâm nhập vào tế bào của con người. Neil Ferguson, Giám đốc Trung tâm Phân tích Bệnh Truyền nhiễm Toàn cầu MRC tại Đại học Hoàng gia London, Anh nhận định, số lượng đột biến lớn như vậy trên protein gai là “điều chưa từng thấy”.
“Việc can thiệp vào protein gai của virus là mục tiêu của hầu hết các loại vaccine. Do vậy chúng tôi cho rằng, biến thể này có khả năng tránh được phản ứng miễn dịch của cơ thể người tốt hơn so với các biến thể trước”, ông Ferguson lưu ý.
Sharon Peacock, chuyên gia y tế công cộng và vi sinh vật học tại Đại học Cambridge, Anh cho biết, số ca mắc tại Nam Phi đã gia tăng nhanh chóng trong 7 ngày qua. Vào ngày 16/11, quốc gia này ghi nhận 273 ca mắc mới nhưng đến ngày 25/11, con số này đã tăng lên đến 1.200 ca, với 80% số ca bệnh là ở tỉnh Gauteng.
“Hình ảnh dịch tễ học cho thấy biến thể mới có thể dễ lây truyền hơn và một số đột biến đang của nó đang hỗ trợ khả năng này”, bà Sharon Peacock cho biết. Mặc dù chưa rõ vai trò của các đột biến cũng như sự kết hợp của chúng, nhưng một số đột biến được cho là có liên quan đến khả năng chống lại hệ miễn dịch.
Tulio de Oliveira, Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Ứng phó với Dịch bệnh của Nam Phi dự đoán, biến thể mới sẽ gây áp lực cho hệ thống y tế của quốc gia này trong một vài ngày hoặc một vài tuần tới.
Điều gì còn chưa được làm sáng tỏ?
Các nhà khoa học cho biết còn quá sớm để đánh giá toàn bộ tác động của các đột biến đối với hiệu quả của vaccine. Theo ông Tulio de Oliveira, tiêm phòng vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để chống lại virus, bên cạnh đó cũng cần thực hiện các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để kiểm trả khả năng kháng vaccine và tránh phản ứng miễn dịch của biến thể.
Phát biểu với CNN, Ashish Jha, người đứng đầu Trường Y tế Công cộng của Đại học Brown nói: “Tôi nghĩ tình huống mà vaccine trở nên mất tác dụng sẽ cực kỳ khó xảy ra. Câu hỏi ở đây là, liệu biến thể mới có tác động đến hiệu quả của vaccine hay không và nếu có thì ở mức độ lớn hay nhỏ. Chúng ta có thể nhận được một số dữ liệu sơ bộ trong vài ngày tới”. Theo chuyên gia này, cần phải tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá mức độ nguy hiểm của B.1.1.529 so với các biến thể trước đó. Một yếu tố khác chưa được xác định là nguồn gốc của biến thể mới. Một số nhà khoa học cho rằng dù được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi nhưng B.1.1.529 có thể có nguồn gốc từ nơi khác.
Nhà sản xuất vaccine Morderna của Mỹ ngày 26/11 cho biết, sự kết hợp các đột biến được tìm thấy trong biến thể B.1.1.529 đã cho thấy “nguy cơ tiềm ẩn có thể đẩy nhanh sự suy giảm miễn dịch của con người vốn được tạo ra do hồi phục sau khi mắc bệnh và do việc tiêm vaccine”.
AstraZeneca - nhà sản xuất vaccine của Anh cho biết, công ty này đang tìm hiểu tác động của biến thể Omicron đối với vaccine ngừa Covid-19 và đang thử nghiệm liệu pháp kết hợp kháng thể chống lại chủng mới.
Người phát ngôn của công ty cho biết: “AstraZeneca đang tiến hành nghiên cứu ở các khu vực xuất hiện biến thể mới, chẳng hạn như Botswana hay Eswatini. Điều này sẽ cho phép chúng tôi thu thập dữ liệu thực tế của vaccine chống lại biến thể này”.
Phản ứng nhanh chóng của các nước
Các nhà khoa học đã đánh giá cao phản ứng nhanh chóng của cơ quan y tế Nam Phi trước sự bùng phát dịch Covid-19 ở tỉnh Gauteng. Khi số ca mắc ở tỉnh này bắt đầu gia tăng với tỷ lệ cao hơn những nơi khác, các chuyên gia y tế đã tập trung giải trình tự gen virus ở mẫu bệnh phẩm thu thập được từ những người có kết quả dương tính. Điều đó cho phép họ nhanh chóng xác định được biến thể B.1.1.529.
Chuyên gia Peacock cho biết, Bộ Y tế Nam Phi và các nhà khoa học nước này sẽ được ghi nhận vì phản ứng nhanh chóng, có những phát hiện mới và sớm gióng lên hồi chuông cảnh báo cho thế giới. Ngay sau khi Nam Phi thông báo về sự xuất hiện biến thể mới, Anh đã đưa thêm 6 nước châu Phi vào “danh sách đỏ” về hạn chế đi lại. Phát biểu với báo chí, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho rằng, biến thể B.1.1.529 rất có thể đã lan rộng ra ngoài khu vực miền Nam châu Phi và “gây rủi ro đáng kể cho sức khỏe cộng đồng”.
Liên minh châu Âu cũng nhất trí áp đặt hạn chế tạm thời đối với việc đi lại từ miền Nam châu Phi đến khối này. Người phát ngôn Ủy ban Châu Âu Eric Mamer cho biết thêm, các hạn chế sẽ được áp dụng với Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe.
Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Dubai, Saudi Arabia, Bahrain và Jordan đã công bố những hạn chế mới đối với du khách đến từ miền Nam châu Phi./.
Theo VOV.VN