Công bố kế hoạch cạnh tranh Sáng kiến Vành đai - Con đường, châu Âu muốn 'chơi lớn'?

Ý tưởng sau chiến lược 'Cổng kết nối toàn cầu' của EU là huy động gần 300 tỷ euro từ các quỹ công và tư tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của EU ở nước ngoài.

 

Hơn 8 năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố Sáng kiến Vành đai – Con đường, với nhiều dự án đầu tư vào các cơ sở hạ tầng quan trọng như đường sắt và cầu cảng nhằm kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng cũng tìm ra một kế hoạch làm đối trọng mang tên “Cổng kết nối toàn cầu”.

Sáng kiến đối trọng với BRI

Ý tưởng lớn đằng sau chiến lược “Cổng kết nối toàn cầu” của Châu Âu là huy động khoản kinh phí gần 300 tỷ euro từ các quỹ công và tư từ nay cho đến năm 2027 để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của EU ở nước ngoài.

Trong khuôn khổ sáng kiến, EU sẽ đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng như cáp quang, mạng 5G và các nhà máy năng lượng xanh ở các nước đang phát triển, đồng thời cố gắng cạnh tranh với Trung Quốc về hạ tầng giao thông, chẳng hạn như đường cao tốc và sân bay.

Bà Jutta Urpilainen - Ủy viên châu Âu phụ trách về hợp tác quốc tế Jutta Urpilainen cho biết: “Với “Cổng kết nối toàn cầu”, chúng tôi muốn tạo ra những liên kết mạnh mẽ, bền vững và không phụ thuộc giữa châu Âu với thế giới, nhằm mang lại một tương lai mới cho những người trẻ”. Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh, chiến lược mới của châu Âu sẽ là một đối trọng đối với sáng kiến “Vành đai - Con đường” (BRI) của Trung Quốc.

Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, EU vẫn cần rất nhiều thời gian để thực thi sáng kiến này. Ngay cả khi có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, kế hoạch chi tiêu của EU vẫn chậm chạp so với tiến độ mà Trung Quốc thực hiện. Chưa kể Bắc Kinh đã tìm cách mở rộng ảnh hưởng để giành lợi thế đi đầu tại các quốc gia từ Hy Lạp đến Sri Lanka. EU luôn tự hào rằng lợi thế chính của khối nằm ở tính minh bạch và đáp ứng những tiêu chuẩn cao về môi trường nhưng chỉ riêng nhưng lợi thế đó chưa chắc giúp EU thuyết phục được các đối tác.

Bản dự thảo kế hoạch của Ủy ban châu Âu không bao gồm danh sách các dự án sẽ được thực hiện ngay lập tức. Điều này đã làm dấy lên sự chỉ trích từ một số quan chức châu Âu và nhiều nước thành viên - đang kêu gọi đưa ra phản ứng cụ thể hơn nhằm đối trọng với Sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc với hơn 13.000 dự án và đang được triển khai tại 165 quốc gia.

Lo ngại Sáng kiến Vành đai-Con đường sẽ nhanh chóng đưa Trung Quốc lên đến vị trí dẫn đầu về kinh tế, Mỹ và châu Âu đã nhanh chóng kiếm tìm giải pháp đối phó. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo khác của nhóm G7 đã đưa ra Sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W).

Sáng kiến B3W sẽ tìm cách cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới bằng việc tài trợ cho các dự án có tiêu chuẩn lao động cao, cân nhắc đến yếu tố khí hậu và giúp đỡ các nhóm yếu thế, như doanh nhân nữ. Bà Ursula von der Leyen cho biết, chiến lược “Cổng kết nối toàn cầu” của châu Âu sẽ cũng sẽ kết nối với Sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) của nhóm G7.

Chiến lược “Cổng kết nối toàn cầu” của châu Âu sẽ nhận được khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 18 tỷ euro (20 tỷ USD) và 280 tỷ euro (317 tỷ USD) đầu tư từ các quốc gia thành viên, các ngân hàng phát triển trong khu vực, các tổ chức tư nhân và cơ quan tài chính của EU. Ủy ban châu Âu cho biết, họ cũng đang xem xét tạo ra một cơ chế tín dụng mới cho các công ty châu Âu để họ có thể bán hàng hóa ở các thị trường bên ngoài EU và cạnh tranh với những doanh nghiệp nhận được sự bảo trợ của chính phủ.

Chiến lược “Cổng kết nối toàn cầu” của Châu Âu được cho là đối trọng với Sáng kiến Vành đai-Con đường của Trung Quốc. Ảnh minh họa: Jago News.

Nhiều thách thức chờ đợi

Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá, chiến lược “Cổng kết nối toàn cầu” (Global Gateway) của châu Âu có quy mô tài chính tương đối nhỏ so với sáng kiến “Vành đai – Con đường” của Trung Quốc. Theo ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, tổng chi phí mà Bắc Kinh dành cho sáng kiến này có thể lên tới 1,2 nghìn tỷ đến 1,3 nghìn tỷ vào năm 2027.

Đối với EU, mấu chốt của vấn đề là liệu các chính trị gia có thể thuyết phục các doanh nghiệp tư nhân tham gia và đầu tư chiến lược một cách hiệu quả hay không. Một trong những yếu tố giúp Bắc Kinh thành công trong việc triển khai Sáng kiến Vành đai – Con đường là có sự tham gia của các ngân hàng nhà nước, cho phép các công ty có thể thực hiện những khoản đầu tư lớn ngay cả khi khoản đầu tư này có rủi ro về mặt chính trị hay thương mại.

Reinhard Bütikofer, nhà lập pháp hàng đầu của EU về các vấn đề Trung Quốc, cho biết EU cần phải huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. “Không giống như Trung Quốc, chúng ta không thể yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện theo ý muốn của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể hợp tác với họ”.

Ông Jonathan Hillman, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng, dù mức độ đầu tư tài chính của EU có thể không sánh được với Trung Quốc, nhưng chiến lược “Cổng kết nối toàn cầu” có thể hấp dẫn vì các lý do môi trường, sinh thái.

“Thay vì những lời đề nghị mà họ không thể từ chối, EU sẽ đưa ra một lời đề nghị mà họ không muốn từ chối. Đó là điểm khác biệt lớn nhất giữa Global Gateway và Vành đai - Con đường”, ông Jonathan Hillman nói.

Trong khi đó, các nhà vận động hành lang kinh doanh khẳng định, việc công bố kế hoạch này không có nghĩa là EU muốn đẩy Trung Quốc ra xa. Tổ chức vận động hành lang BusinessEurope nhấn mạnh, EU cần tiếp tục "hợp tác với Trung Quốc để xác định những hành lang ưu tiên nhằm ngăn chặn tình trạng thắt cổ chai và khắc phục khó khăn trong vấn đề vận chuyển”.

"Quan hệ giữa EU và Trung Quốc vẫn còn nhiều căng thẳng vào lúc này, nhưng chúng ta cần phải duy trì đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực từ kinh tế cũng như địa chính trị", bà Luisa Santos, người đứng đầu Tổ chức vận động hành lang BusinessEurope lưu ý./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo Politico

 

Bình luận

    Chưa có bình luận