Điều kiện trong đề nghị

Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO hiện rất căng thẳng, trắc trở và tiếp tục với chiều hướng gia tăng...

 

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO hiện rất căng thẳng, trắc trở và tiếp tục với chiều hướng gia tăng, Nga đưa ra dự thảo hai hiệp ước ký kết với Mỹ và NATO. Đề nghị này của Nga gần như ngay lập tức bị phía được đề nghị bác bỏ bởi trong đó bao hàm những điều kiện của Nga mà họ không muốn cũng như không thể chấp nhận.

Với Mỹ, Nga đề nghị Mỹ ngăn cản việc các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây gia nhập NATO, Nga nêu yêu cầu Mỹ không thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây hiện không phải là thành viên EU và không hợp tác quân sự với các nước này. Thời tiến hành chiến tranh ở Afghanistan, Mỹ duy trì căn cứ quân sự ở Uzbekistan và Kirgyzstan, cả hai nước này đều không phải là thành viên NATO.

ảnh minh họa: KT

Với NATO, dự thảo văn kiện của Nga nêu yêu cầu NATO không tiếp tục mở rộng ra các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây, không triển khai tên lửa ở các nước thành viên NATO, cam kết không tiến hành hoạt động quân sự ở các nước vùng Đông Âu, vùng miền nam và miền trung của khu vực Kavkaz. Một điều đáng chú ý nữa trong văn kiện là Nga yêu cầu NATO không triển khai quân đội và vũ khí ngoài phạm vi ranh giới NATO vào thời điểm năm 1997, tức là trước khi một số nước ở Đông Âu gia nhập NATO. Ba Lan, Séc và Hungari gia nhập NATO năm 1999 trong khi Slovakia, Slovenia và ba nước trên bán đảo Bantic gia nhập NATO năm 2004.

Tất cả những điều kiện và yêu cầu của Nga nêu trong hai dự thảo văn kiện này gộp lại thành đòi hỏi của Nga về cam kết của Mỹ và NATO đối với an ninh của Nga, tức là phía bên kia cam kết bằng văn bản về đảm bảo an ninh cho Nga. Chắc chắn là ngay từ đầu, ngay từ khi đưa ra những điều kiện và yêu cầu này, phía Nga biết trước và rất rõ là chúng sẽ bị Mỹ và NATO ngay lập tức bác bỏ. Lý do đơn giản ở chỗ nếu đáp ứng những điều kiện và yêu cầu nói trên của Nga thì Mỹ và NATO chẳng khác gì từ bỏ tất cả lợi ích và chiến lược theo đuổi bấy lâu nay ở châu Âu nói chung và trong quan hệ với Nga nói riêng. Nói theo cách khác, nếu đáp ứng các yêu cầu trên của Nga thì Mỹ và NATO đâu có khác gì chấp nhận thua trong cuộc chơi chính trị an ninh và địa chiến lược với Nga ở châu Âu. Thời gian vừa qua, Mỹ cùng với EU và NATO đặc biệt cảnh báo và răn đe Nga với cáo buộc Nga mưu tính tấn công quân sự vào Ukraine như đã làm hồi năm 2014 mà một trong những kết quả và hệ lụy là Nga tiếp nhận Crimea. Bảo vệ Ukraine hiện đã trở thành một trong những mục tiêu chính trị và trong chừng mực nhất định cả về quân sự và an ninh nữa của Mỹ, EU và NATO. Vì thế, phe này chắc chắn sẽ không nhượng bộ và xuống thang đối địch với Nga, cho dù luôn quả quyết vẫn sẵn sàng đối thoại với Nga.

Xem ra, mục đích chính của Nga với việc sử dụng đề nghị ký kết thỏa thuận an ninh mới để đặt điều kiện và nêu yêu cầu cụ thể với Mỹ và NATO là thể hiện cho phía bên kia thấy hai điều. Thứ nhất là quan điểm của Nga về giới hạn đối với an ninh của Nga mà phía bên kia không được bước qua. Thứ hai là quyết tâm và sự sẵn sàng của Nga tiếp tục xung khắc và đối địch với phía bên kia về chính trị an ninh ở châu Âu, tức là để ngỏ và chuẩn bị dư luận trước cho những bước đi và kịch bản tiếp theo trong thời gian tới mà Nga sẽ quyết định tùy theo diễn biến của quan hệ giữa Nga với Mỹ, EU và NATO.

Cũng từ chuyện này mà còn có thể thấy mối quan hệ giữa Nga với các đối tác kia sẽ còn leo thang mức độ căng thẳng và đối địch quyết liệt mà những gì liên quan đến Ukraine chỉ là một khía cạnh biểu hiện./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận