'Yếu tố Mỹ' thúc đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau

Trong vấn đề Ukraine, chính sách của Mỹ đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau dù Moscow và Bắc Kinh vốn không đồng thuận và có lợi ích đối nghịch.

 

Kể từ năm 1972, việc chia rẽ Liên Xô và Trung Quốc là nền tảng cơ bản trong chính sách an ninh và ngoại giao của Mỹ. Bất cứ nỗ lực nào nhằm hình thành một thỏa thuận sơ bộ hoặc thậm chí là một liên minh - dù là ngầm ý, đang thai nghén hay đã thành văn - nhằm trực tiếp vào Mỹ đều sẽ bị ngăn cản. Chuyến thăm Trung Quốc năm 1972 của Tổng thống Richard Nixon và Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger đã làm tan vỡ một liên minh Trung-Xô như vậy.

Tuy nhiên, các ưu tiên hiện nay trong chính sách ngoại giao của Mỹ không chỉ cho phép mà còn thúc đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau - bất chấp những mâu thuẫn và thậm chí là đối đầu giữa Moscow và Bắc Kinh.

Mỹ đang bỏ qua những mâu thuẫn giữa Nga và Trung Quốc 

Nga và Trung Quốc chưa bao giờ coi đối phương là bằng hữu tự nhiên. Giữa 2 bên từng xảy ra các cuộc chạm trán quân sự vì bất đồng biên giới.

Là một trong những nước xuất khẩu ròng nhiên liệu hóa thạch lớn nhất, Nga hưởng lợi khi giá dầu tăng cao. Trung Quốc, nước nhập khẩu ròng lớn nhất, lại hưởng lợi khi giá dầu xuống thấp.

Hai bên cũng bất đồng ở một số khía cạnh quan trọng trong vấn đề biến đổi khí hậu. Ngày 13/12/2021, Nga phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc coi biến đổi khí hậu là mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình quốc tế. Trung Quốc lại bỏ phiếu trắng về nghị quyết này.

Một tháng trước đó tại Hội nghị khí hậu Liên Hợp Quốc, Trung Quốc ký thỏa thuận với Mỹ. Thỏa thuận này được Đặc phái viên John Kerry gọi là “lộ trình cho sự hợp tác trong tương lai” về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đang diễn ra, nhưng trong cuộc họp trực tuyến ngày 15/12/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trấn an đối phương về sự ủng hộ lẫn nhau và thông báo với thế giới rằng 2 bên có tầm nhìn chung về các vấn đề địa chính trị quan trọng.

Dù mối quan hệ bằng hữu giữa Nga và Trung Quốc mới chỉ dừng lại ở đó, chứ chưa phải là một liên minh, nhưng thông điệp lại rất rõ ràng: cả 2 nhà lãnh đạo đều bất mãn với cách Mỹ hành xử trên thế giới và ở cùng 1 phe để chấm dứt kỷ nguyên nước Mỹ chi phối.

Đối với Mỹ, điều này được coi là một trở ngại lớn. Sự suy yếu của Mỹ ở khía cạnh tỷ trọng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu giảm là rõ ràng và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia mạnh nhất trên thế giới. Do đó, vẫn có khả năng chính sách ngoại giao lão luyện của Mỹ có thể ngăn cản Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: EPA

Mỹ đã bỏ qua nhiều cơ hội

Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng có cơ hội tuyệt vời để định hình một trật tự thế giới mới, tương tự như cơ hội của Tổng thống Harry Truman ngay sau Thế chiến II. Ông Clinton hài lòng khi được hưởng vị thế hàng đầu thế giới của nước Mỹ nhưng không nhận ra rằng điều đó sẽ không kéo dài. Những người kế nhiệm ông sẽ phải trả giá cho sự thiếu sót đó.

Cơ hội khác đến với Tổng thống George W. Bush sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Cả thế giới đã sẵn sàng đi theo sự dẫn dắt của Mỹ khi Washington kêu gọi sức mạnh toàn cầu trong một nỗ lực chung chống khủng bố. Tuy nhiên, ông Bush lại lựa chọn một liên minh của thiện chí – một liên minh hẹp và gạt bỏ lợi ích của nhiều nước khác.

Dù vậy trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, không thể phủ nhận Mỹ vẫn là cường quốc số 1. Ông Bush thể hiện rõ ràng rằng: nếu cần, Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để thực hiện tham vọng của mình. Cả bằng hữu và đối thủ [của Mỹ] đều điều chỉnh chính sách của mình cho phù hợp. Nhưng nhiều người không thích điều đó.

Tổng thống Barack Obama đã cố gắng để giành được sự ủng hộ của những người bạn trong một thế giới mà tình bằng hữu không được cân nhắc nhiều so với những lợi ích cốt lõi. Những nỗ lực của ông Obama được đánh giá cao, nhưng lại không thành công. Những đối thủ tiềm tàng bắt đầu tin rằng Mỹ đang lùi bước trong việc sử dụng sức mạnh quân sự. Ấn tượng đó khiến các nước đối đầu Mỹ sẵn sàng thách thức các vùng biển ít có nguy cơ đối mặt với sự trả đũa quân sự của Mỹ. Xung đột khu vực ngày càng gia tăng và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Mỹ.

Các nước đồng minh bắt đầu nghi ngờ về việc liệu Mỹ có sẵn sàng thực hiện các cam kết cả trên văn bản hay bất thành văn để giúp đỡ họ hay không. Hệ thống liên minh của Mỹ đã suy yếu và mở ra cánh cửa cho Trung Quốc và Nga – cùng với các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ - giành được chỗ đứng trên toàn thế giới, trong khi uy thế tối cao của Mỹ dần suy yếu.

Các chính sách an ninh và đối ngoại của Tổng thống Donald Trump không rõ ràng, khiến việc đưa ra một chính sách tốt trở thành điều may rủi và để lại ấn tượng về một con tàu không có thuyền trưởng.

Khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 2/2021, cánh cửa vẫn để ngỏ đối với ông Joe Biden để định hướng lại chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông Biden đang phải đối mặt với nhiều thách thức và vấn đề như: Trung Quốc, Nga, Đài Loan, Ukraine, Iran và Triều Tiên. Những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết nếu ông sẵn sàng quyết định về những điều nước Mỹ có thể chấp nhận, Washington sẽ phản ứng như thế nào với các cuộc khủng hoảng nước ngoài và những mục đích lớn của ông là vì nước Mỹ và thế giới.

Nếu có thể làm được điều đó, mỗi vấn đề đều sẽ có giải pháp phù hợp; nếu không, ông Biden sẽ bị mắc kẹt trong vũng lầy. Câu hỏi cơ bản là liệu cách Mỹ nhìn nhận về chính mình có tương đồng với cách nhìn nhận của những các nước khác hay không và cán cân quyền lực sẽ thay đổi như thế nào.

Nga không phải là Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh

Một trong những vấn đề nổi bật hiện nay là Ukraine. Nga tiếp tục khẳng định quyền của nước này trong việc ngăn chặn Ukraine trở thành thành viên NATO và hạn chế sự hiện diện của NATO ở Đông Âu. Các nước phương Tây có xu hướng coi cuộc đối đầu này như một dấu tích của Chiến tranh Lạnh mà ở đó Mỹ, các đồng minh châu Âu và NATO đối đầu với Liên Xô - nay là Nga, và Trung Quốc là trung lập. Nhưng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, khả năng đưa ra một giải pháp như vậy có vẻ không khả quan.

Lợi ích của Nga và Trung Quốc về tương lai của Ukraine có sự khác biệt về mặt chiến lược và kinh tế. Lo ngại của Nga về một mối đe dọa tiềm tàng từ lãnh thổ của Ukraine không liên quan nhiều đến Trung Quốc.

Về mặt kinh tế, 2 bên có lợi ích đối nghịch. Nga rất muốn có được những nguồn lực ở Ukraine. Trung Quốc sẽ không để điều đó xảy ra; Bắc Kinh nhập khẩu quặng sắt, ngũ cốc, dầu, và kim loại sắt… từ Ukraine để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và không muốn Nga tiếp quản. Hơn 10 năm trước, Trung Quốc và Ukraine đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược. Vào dịp kỷ niệm 10 năm hồi tháng 6/2021, mối quan hệ này được cả 2 bên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chính sách của Mỹ đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau trong một vấn đề mà 2 nước vốn bất đồng. Washington đã bỏ qua một cơ hội để khai thác những lợi ích không tương đồng giữa Moscow và Bắc Kinh./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo National Interest

 

Bình luận

    Chưa có bình luận