Nhiều nước trong khu vực đã mạnh mẽ lên án hành động của Triều Tiên song vẫn để ngỏ khả năng đối thoại.
Trong một tuyên bố, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) nêu rõ: Triều Tiên đã phóng thử thành công một tên lửa siêu thanh, chỉ 3 tháng sau khi nước này lần đầu tiên phô diễn hệ thống vũ khí này. Không tiết lộ tốc độ của tên lửa, song giới chức Triều Tiên cho rằng, vụ phóng tên lửa đã cho thấy khả năng kiểm soát và sự ổn định của đầu đạn siêu thanh khi kết hợp giữa khả năng bay nhảy nhiều tầng và chuyển động ngang mạnh mẽ.
Trước đó, rạng sáng 5/1, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo từ tỉnh miền Bắc Jagang về vùng biển phía Đông của nước này. Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên trong năm 2022.
Mặc dù mạnh mẽ lên án hành động của Triều Tiên song các nước vẫn để ngỏ đối thoại với nước này. Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố khẳng định, vụ phóng đã vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời gây ra một mối đe dọa đối với các nước láng giềng của Triều Tiên và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẽ kiên trì theo đuổi cách tiếp cận ngoại giao với Triều Tiên và kêu gọi tham gia đối thoại.
Ngay sau vụ phóng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ quan ngại quan hệ liên Triều có thể leo thang và kêu gọi Triều Tiên đối thoại.
“Chúng ta không nên từ bỏ hy vọng đối thoại để có thể khắc phục một cách cơ bản vấn đề này. Triều Tiên nên nỗ lực đối thoại một cách chân thành.. Nếu cả hai miền Triều Tiên cùng cố gắng và xây dựng lòng tin thì một ngày nào đó, hòa bình sẽ đến với chúng ta”, ông Moon Jea-in nhấn mạnh.
Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo về cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia. Theo đó, các quan chức hàng đầu của nước này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình nối lại đối thoại với Triều Tiên.
Ngày 5/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi các bên cần thận trọng và tăng cường đối thoại với Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa.
Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: “Chúng ta cần lưu ý về các báo cáo liên quan. Hòa bình và sự ổn định trên Bán đảo Triều Tiên phải rất vất vả mới đạt được và cần được trân trọng. Trong hoàn cảnh hiện nay, tất cả các bên nên khắc ghi bức tranh toàn cảnh và hành động một cách thận trọng, duy trì con đường đối thoại đúng đắn, tham vấn và hợp tác với nhau nhằm ổn định trình trị cho các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên”.
Chính phủ Nhật Bản ngay lập tức đã triệu tập một cuộc họp khẩn để thảo luận tình hình. Phía Nhật Bản thông báo Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng sẽ có cuộc hội đàm với những người đồng cấp Mỹ vào ngày 7/1 để thảo luận về diễn biến liên quan./.
Hồng Nhung/VOV1
Tổng hợp