Biến thể Omicron thay đổi đại dịch
Biến thể Omicron đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta nghĩ về đại dịch Covid-19, từ việc nó phát triển trong cơ thể như thế nào, gây nên các triệu chứng ra sao hay lây nhiễm cho người khác thế nào.
Biến thể dễ lây nhiễm này lây lan với tốc độ chưa từng có, hoàn toàn vượt quá khả năng xét nghiệm và đang lây nhiễm cho nhiều người hơn bất kỳ thời điểm nào trong đại dịch với số ca nhập viện cao kỷ lục.
"Điều này giống như sự khác biệt giữa vòi tưới nước trong vườn với vòi cứu hỏa vậy", Michael Osterholm - một nhà dịch tễ học, đồng thời là giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota cho hay.
Omicron đã thay đổi virus SARS-CoV-2 gần như ở mọi cấp độ, từ tỷ lệ lây nhiễm, thời gian lây nhiễm cho tới mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà nó gây ra.
Bác sĩ Bonnie Henry thuộc Văn phòng Y tế British Columbia nhận định: "Thật may chúng ta ở thời điểm này khi biến thể Omicron xuất hiện. Nếu biến thể Omicron xuất hiện từ đầu và lây lan trước khi chúng ta tiêm vaccine cho mọi người, đặc biệt là người cao tuổi, thì đây sẽ là một tai ương".
Bà Henry cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất với biến thể Omicron là thời gian ủ bệnh đã ngắn hơn nhiều, tức là nếu như các biến thể trước đây mất từ 5 - 7 ngày để xuất hiện các triệu chứng thì hiện nay biến thể này khiến mọi người phát bệnh chỉ từ 2 - 3 ngày.
"Điều đó sẽ dẫn đến sự bùng nổ nhanh chóng số ca mắc, vốn tương đối ít nghiêm trọng, nhưng với số lượng ca mắc này, chúng ta vẫn chứng kiến hệ thống chăm sóc y tế phải căng mình".
Chuyên gia này cũng đánh giá: "Vấn đề không phải là ngăn chặn Omicron, chúng ta không thể ngăn chặn biến thể này. Tuy nhiên, những gì chúng ta có thể làm là làm chậm sự lây lan của nó, cố gắng bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất và hạn chế tác động của nó lên các bệnh viện".
Không thể ngăn chặn, chỉ có thể làm chậm sự lây lan của Omicron
Canada đang đối phó với sự lây lan của biến thể Omicron bằng cách tái áp đặt các biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt, từ lệnh giới nghiêm cho tới đóng cửa quán bar, nhà hàng, phòng tập gym và thậm chí trì hoãn việc mở cửa lại trường học.
Tuy nhiên, ông Osterholm, người cũng là một thành viên trong Hội đồng Cố vấn ứng phó với Covid-19 của Tổng thống Biden cho rằng, việc loại bỏ Omicron là điều không khả thi, đồng thời cho biết chúng ta cần nghĩ lại về các biện pháp phản ứng trước đại dịch.
"Chúng ta sẽ không ngăn chặn nó. Từ này không nên được sử dụng. Tuy nhiên, chúng ta chắc chắn có thể làm nhiều điều để làm chậm sự lây lan của nó".
Biến thể Omicron đưa chúng ta quay trở lại giai đoạn "làm phẳng đường cong dịch bệnh" Bill Hanage, một nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard nhận định.
"Hầu hết mọi người cho rằng các biện pháp trước đó sẽ trì hoãn chứ không khiến Omicron dừng lại. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn cần thực hiện để bảo vệ những người dễ tổn thương".
"Có lẽ một số biện pháp can thiệp vẫn hiệu quả, giống như hạn chế tập trung đông người, đóng cửa nhà hàng vào giai đoạn bệnh viện đang đứng trước sức ép lớn nhất”.
Bác sĩ Amesh Adalja, nhà dịch tễ học và học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế ở Baltimore nhận định, mặc dù dịch Covid-19 trở nên ít nghiêm trọng hơn với những người đã tiêm vaccine thì nó vẫn là mối đe dọa lớn đến những người chưa tiêm vaccine.
Steven Hoffman, giám đốc Phòng Chiến lược Toàn cầu và là chuyên gia luật y tế toàn cầu tại Đại học New York ở Toronto tin rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lên các bệnh viện có thể trở nên tồi tệ trong những tuần tới nếu các biện pháp y tế cộng đồng không thể làm chậm sự lây lan của biến thể Omicron.
"Điều tôi thực sự lo lắng là điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó bị tai nạn và cần nhập viện trong tháng 1 trong khi các phòng chăm sóc tích cực (ICU) đều là bệnh nhân Covid-19? Nếu hết giường ICU thì một lần nữa các bác sĩ lại phải quyết định lựa chọn ai, khi đó toàn bộ hệ thống sẽ bị gián đoạn".
Chuyên gia Osterholm tin rằng trong khi nhiều người nhiễm biến thể Omicron trong những tuần tới thì việc tăng cường các biện pháp y tế cộng đồng cũng như tăng tỷ lệ tiêm tiêm vaccine sẽ tác động đến khả năng lây lan cũng như số ca bệnh cần nhập viện.
"Bên cạnh việc giúp dự phòng sức chứa của hệ thống chăm sóc y tế, việc này cũng khiến nhiều người đi tiêm vaccine hơn, đặc biệt là những người cần tiêm mũi thứ ba".
Lý do cho việc các biện pháp hạn chế đang được áp đặt khắp thế giới hiện nay là nhằm tránh số ca nhiễm biến thể Omicron tăng quá cao khiến hệ thống y tế bị quá tải.
"Việc có 1.000 ca mắc Covid-19 và đến bệnh viện ngay hôm nay với việc có 1.000 người mắc bệnh và nhập viện trong 10 - 15 tuần tiếp theo có thể tạo ra sự khác biệt trên thế giới", chuyên gia Osterholm đánh giá.
Biến thể Omicron liệu có khiến đại dịch Covid-19 kéo dài?
Việc biến thể Omicron không thể loại bỏ, lan như cháy rừng và đe dọa đến việc làm quá tải hệ thống y tế liệu có ảnh hưởng đến quá trình kết thúc đại dịch? Và liệu những tuần và tháng tới sẽ có vai trò như thế nào trong cuộc chiến chống Covid-19 trên thế giới.
"Tại Bắc Mỹ, chúng tôi sẽ có khoảng 2 - 4 tuần ghi nhận số ca mắc tăng mạnh và sau đó sẽ bắt đầu giảm đáng kể. Nhưng một vài tuần tới sẽ là thời điểm rất thách thức”, ông Osterholm dự đoán.
Raywat Deonandan, một nhà dịch tễ học và là phó giáo sư tại Đại học Ottawa cũng cho rằng, số ca mắc Covid-19 sẽ tăng mạnh và đạt đỉnh vào những tuần tới.
"Sau khi số ca mắc tăng nhanh thì sẽ giảm mạnh. Chúng ta đã chứng kiến điều này ở Nam Phi. Trong khi thời kỳ này sẽ đạt đỉnh thì giai đoạn đó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn".
"Vậy điều đó có đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không làm gì hay không? Dĩ nhiên là không. Chúng ta sẽ phải làm gì đó để làm chậm sự lây nhiễm nhằm dự phòng hệ thống y tế và bảo vệ những người chưa tiêm vacicne cũng như cho họ có thêm thời gian để tiêm vaccine”.
Chuyên gia Henry cho rằng, trong khi chúng ta đang trong quá trình coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, giống như các virus về hô hấp khác, thì điều tồi tệ nhất trong đại dịch sẽ chấm dứt trong những tháng tới./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo: CBC