Cục trưởng cục Khoa học Y tế tiến sỹ Supakit Sirilak cho biết, dữ liệu từ việc thử nghiệm với 80 người cho thấy, tất cả các vaccine Covid-19 tạo ra miễn dịch chống lại biến thể Omicron thấp hơn so với Delta. Tuy nhiên, mức độ sinh miễn dịch đã tăng lên đáng kể khi được tiêm một liều tăng cường, đặc biệt là từ vaccine công nghệ mRNA. Qua đó, nghiên cứu đưa ra kết luận, cần tiêm thêm liều vaccine tăng cường để chống lại biến thể Omicron.
Nghiên cứu của Thái Lan cũng chỉ ra mức độ miễn dịch đối với cả hai loại biến thể sau hai tuần đối với những người tham gia đã gia tăng đáng kể. Thử nghiệm được thực hiện theo phương pháp trung hoà giảm mảng bám (PRNT).
Kết quả thử nghiệm cho thấy miễn dịch rất cao đối với hai biến thể là Delta và Omicron. Cụ thể, mức độ tăng miễn dịch đối với Omicron là 282,5 và 729,3 đối với Delta. Kết quả này thu được khi người tham gia thử nghiệm được tiêm một liều đầy đủ vaccine Sinovac cùng với một lượng nhỏ hơn Pfizer. Một kết quả tương tự cũng được tìm ra khi tiêm một liều hỗn hợp của AstraZeneca và Pfizer.
Trong khi đó, nếu tiêm hai liều vaccine bất hoạt thì mức độ miễn dịch đối với chủng Omicron là rất thấp, ví dụ như hai liều AstraZeneca thì chỉ đạt 23,81 trong khi Sinovac kết hợp với AstraZeneca chỉ có 11,63.
Tiến sỹ Supakit cũng khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc Covid-19 cũng như người mắc bệnh nền cần tiêm liều tăng cường càng sớm càng tốt. Bộ Y tế Thái Lan sẽ tiếp tục nghiên cứu thời gian có thể duy trì được miễn dịch sau khi tiêm. Tuy nhiên, nghiên cứu này sẽ mất thời gian để tìm ra kết quả cụ thể./.
PV/VOV-Bangkok