Cuộc chơi cân não ở châu Âu

Trong những ngày này, ở châu Âu không có chuyện gì được quan tâm đến nhiều bằng chuyện dịch bệnh và chuyện an ninh châu lục.

 

Trong những ngày này, ở châu Âu không có chuyện gì được quan tâm đến nhiều bằng chuyện dịch bệnh và chuyện an ninh châu lục. Các nước châu Âu vẫn loay hoay với công cuộc ứng phó dịch bệnh và chưa biết đến khi nào mới có thể kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Chuyện chính trị an ninh châu lục cụ thể ở Ukraine nhưng động chạm tới cấu trúc an ninh đã hình thành trên châu lục và các cơ chế được vận hành từ lâu nay để xử lý mọi vấn đề an ninh châu lục.

Biểu hiện ra bên ngoài, chuyện chính trị an ninh châu lục xoay quanh Ukraine và là cuộc chơi cân não giữa Nga với Mỹ, EU, NATO và Ukraine. Mức độ cân não phụ thuộc vào diễn biến của việc Nga điều binh khiển tướng đến khu vực biên giới với Ukraine và vào mức độ sôi động của các hoạt động ngoại giao giữa các bên liên quan. Tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với nhau ngay trước cuộc đối thoại giữa hai nước về an ninh. NATO và Nga cũng tiến hành họp Hội đồng Nga - NATO lần đầu tiên sau hơn hai năm rưỡi ngưng trệ. Phiên họp này không đưa lại kết quả gì nhưng NATO lại vừa đề nghị tiếp tục đối thoại an ninh với Nga.

Bộ trưởng ngoại giao Đức công du Ukraine và Nga. Bộ trưởng ngoại giao Mỹ tới Ukraine và gặp bộ trưởng ngoại giao Nga ở Thuỵ Sỹ. Đối với Mỹ, EU, NATO và Ukraine, những câu hỏi then chốt mà họ tìm kiếm câu trả lời là Nga có tiến hành tấn công quân sự vào Ukraine như hồi năm 2014 hay không và họ phải làm gì để ngăn chặn Nga thực hiện kịch bản này hoặc cò cưa với Nga để có thêm thời gian ứng phó với kịch bản ấy. Vì thế, sách lược đối phó Nga của các bên này là níu kéo Nga vào đối thoại, thổi phồng khả năng Nga tiến hành tấn công quân sự vào Ukraine để khiến Nga ngại dư luận chung trên thế giới mà kiềm chế, lại vừa gây dựng những công cụ để cảnh báo và răn đe Nga, đặc biệt dùng khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine và không để cho dự án tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 đi vào hoạt động. Đích thân ông Biden đã công khai dự đoán của mình cho rằng Nga sẽ tiến hành tấn công quân sự vào Ukraine.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock gặp đồng nghiệp Ukraine Dmytro Kuleba tại Kiev. (Ảnh: SITA/AP)

Đương nhiên phía Nga không công khai tuyên bố theo đuổi chủ ý đưa quân đội vào Ukraine mà chỉ duy trì triển khai lực lượng lớn quân đội ở vùng biên giới với Ukraine, đủ lớn để tạo cảm nhận chung là bất cứ khi nào Nga cũng đều có thể can thiệp quân sự trực tiếp vào Ukraine. Chủ định của Nga rõ ràng là buộc phía bên kia phải chung sống với tình trạng kịch bản kia không những không thể bị loại trừ mà còn có thể xảy ra bất cứ khi nào. Lợi thế của Nga trong cuộc chơi cân não này là phía bên kia hiện không có sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động vì Ukraine, đặc biệt trên phương diện cung cấp vũ khí cho Ukraine. Lợi thế của Nga cũng còn là Nga có thể chủ động trong cuội chơi cân não này. Có thể nói rằng cho đến thời điểm hiện tại, Nga thành công với việc dùng vấn đề Ukraine để buộc phía bên kia phải lưu tâm đến việc xử lý lại mọi vấn đề trên châu lục liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp tới an ninh của Nga.

Cũng vì thế mà cuộc chơi cân não hiện tại giữa Nga với Mỹ, EU, NATO và Ukraine chỉ là sự khởi đầu của cuộc cạnh tranh chiến lược mới giữa hai bên ở châu Âu, về an ninh của Nga, nhưng đồng thời còn vì ảnh hưởng và vai trò chính trị châu lục và chính trị thế giới, vì vị thế và sức mạnh địa chiến lược trên châu lục. Trong  chừng mực nhất định, đấy cũng còn là cuộc cọ sát mới về ý thức hệ giữa hai bên.

Cuộc chơi sẽ diễn biến bất ngờ và kéo dài. Nga đẩy phía bên kia vào tình thế phải co cụm và thống nhất nội bộ. Họ sẽ phải hoạch định chiến lược lâu dài đối với Nga trong khi Nga phải lưu tâm đến một thực tế là mọi con chủ bài sách lược cũng như chiến lược đều chỉ đắc dụng nhất thời./.

Hoàng Lan

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận