Phía Mỹ cho rằng giờ là lúc phải đưa ra quyết định và nhắc lại “phương án dự phòng” khi giải pháp ngoại giao đổ vỡ. Tuy nhiên, phía Iran cũng tỏ ra “không khoan nhượng” khi các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này chưa được gỡ bỏ.
Chính phủ Mỹ hôm qua (9/2) đã công khai gây áp lực, buộc Iran phải nhanh chóng khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, với cảnh báo thỏa thuận sẽ đổ vỡ nếu không được ký lại trong vài tuần tới.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh, việc đàm phán đang ở giai đoạn cấp bách: “Một thỏa thuận cần đạt được để giải quyết các mối quan tâm cốt lõi của tất cả các bên trong vài tuần tới. Hoặc không, với những tiến bộ hạt nhân mà Iran đạt được sẽ khiến chúng ta không thể quay trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015. Dù các cuộc đàm đang diễn ra, nhưng tôi cần nhắc lại tuyên bố của tổng thống, rằng nhóm của ông ấy đã chuẩn bị một loạt phương án dự phòng. Vì đây là giai đoạn then chốt. Iran đã đạt được nhiều tiến bộ khi chính quyền tiền nhiệm Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận này”.
Đây cũng là nhận định của các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra những ngày qua, rằng chỉ còn vài tuần cho đối thoại.
Trên thực tế, cả Mỹ và Iran đang đổ lỗi cho nhau về sự chậm chễ trong việc đưa ra quyết định chính trị cuối cùng, là quay lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Theo quan chức an ninh hàng đầu của Iran Ali Shamkhani, con đường dẫn đến các cuộc đàm phán sẽ không suôn sẻ nếu chính quyền đương nhiệm Mỹ tiếp tục chiến dịch gây áp lực tối đa nhằm vào Iran. Ông này cũng nhận định, các tiếng nói từ giới chức Mỹ đang cho thấy sự không thống nhất ở cấp độ quốc gia trong vấn đề hạt nhân Iran.
Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei mới đây cũng công khai chỉ trích đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng người tiền nhiệm Donald Trump làm xấu danh tiếng của nước Mỹ.
“Hai tổng thống Mỹ - người đương nhiệm và tiền nhiệm - đã cùng làm xấu hình ảnh của nước Mỹ. Mỗi người trong số họ làm theo những cách khác nhau”, ông Ali Khamenei nói. Đây được xem là lời chỉ trích công khai hiếm hoi dành cho người đứng đầu nước Mỹ từ Lãnh tụ tối cao Iran trong hơn 1 năm ông Biden lãnh đạo nước Mỹ.
Hiện vấn đề hạt nhân Iran đang là mối quan tâm lớn của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hôm qua (9/2), vấn đề này cũng được đề cập tới trong cuộc điện đàm giữa ông và Quốc vương Saudi Arabia Salman. Đây là một trong hai “kình địch” của Iran tại Trung Đông, bên cạnh Israel, đang rất quan tâm đến tiến trình đàm phán, mong muốn Mỹ và Iran sẽ đạt được một thỏa thuận lớn hơn, bao gồm cả vấn đề tên lửa đạn đạo và hạn chế được sức ảnh hưởng của Iran trong khu vực - thay vì chỉ mỗi hạt nhân.
Tuy nhiên, điều này luôn bị Iran bác bỏ. Thậm chí, hôm qua, ngay khi các bên bước vào bàn đàm phán tại Vienna, Iran còn thử loại tên lửa đạn đạo mới, có tầm xa 1.450km, có khả năng tiếp cận Israel, Saudi Arabia và mọi căn cứ của Mỹ trong khu vực. Điều này góp phần gia tăng thêm áp lực cho các bên tại bàn đàm phán hiện nay./.
Đình Nam/VOV1 (Tổng hợp)