Giữa bối cảnh các nhà lãnh đạo phương Tây đưa ra những cảnh báo mới về việc Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào và một số nước đã sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi các đại sứ quán ở Kiev, Bộ Quốc phòng Nga thông báo ngày 15/2 rằng một số lực lượng mà nước này triển khai gần biên giới với Ukraine đang bắt đầu rút về căn cứ. Tuy nhiên, động thái này có phải là một dấu hiệu cho thấy căng thẳng nhiều tháng qua đang bắt đầu hạ nhiệt?
Phản ứng trái ngược sau khi Nga rút quân
Ngày 15/2, Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga công bố đoạn video thông báo một số lực lượng và phương tiện của Nga đang tham gia tập trận chung ở Belarus, gần biên giới với Ukraine, sẽ rút quân về căn cứ ở Nga giữa bối cảnh cuộc tập trận Union Courage 2022 kết thúc.
Các cuộc diễn tập dự kiến kéo dài tới 20/2 và quân đội Nga vẫn ở gần Ukraine nhưng thông báo của Bộ Quốc phòng Nga là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Moscow đang rút dần lực lượng. Trước đó, quân đội và các phương tiện quân sự của Nga từ khắp đất nước, trong đó có cả các lực lượng đồn trú ở châu Á, đã di chuyển tới biên giới như một phần của các cuộc tập trận.
Trước động thái này, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba nhận định với báo giới: "Chúng tôi và các đồng minh đã xoay xở để ngăn chặn Nga tiến hành thêm bất kỳ hành động leo thang nào. Bây giờ đã là giữa tháng 2 và chúng ta đang thấy ngoại giao tiếp tục phát huy hiệu quả", ông Kuleba nhấn mạnh, song cho rằng căng thẳng vẫn ở mức cao và Ukraine đang chờ đợi Nga rút các lực lượng còn lại.
"Chỉ khi Nga thực sự rút quân sau những tuyên bố trên, chúng tôi mới tin rằng căng thẳng bắt đầu hạ nhiệt", quan chức ngoại giao Ukraine viết trên Twitter.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho rằng liên minh này "lạc quan thận trọng" về động thái của Moscow nhưng ông vẫn chưa nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự hạ nhiệt căng thẳng ở Ukraine.
Trong khi đó, các quan chức Nga chỉ ra rằng thông báo rút quân là bằng chứng cho thấy phương Tây đã sai khi đưa ra những cáo buộc về một cuộc tấn công. Trong thông báo ngày 15/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết rằng: “Ngày 15/2/2022 sẽ đi vào lịch sử như một ngày mà những tuyên truyền chiến tranh của phương Tây đã thất bại", đồng thời cho biết phương Tây bị "bẽ mặt và bị hủy hoại mà không cần một phát súng nào".
Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng nhận định tại một cuộc họp báo ngày 15/2 rằng, việc Nga rút quân chỉ đơn giản là thực hiện theo kế hoạch.
Dù vậy, một số nhà quan sát phương Tây cho rằng, thông báo rút quân ngày 15/2 của Nga hầu như không có nhiều ý nghĩa bởi động thái này dễ dàng bị đảo ngược.
Đằng sau việc Nga thông báo rút quân
Giữa bối cảnh căng thẳng Ukraine vẫn tiếp diễn, Moscow và Washington đang chơi một trò chơi phức tạp và đầy rủi ro để đảm bảo an ninh của mình mà không cần nổ súng. Ngoại giao truyền thống chỉ là một trong những bước đi của mỗi bên. Các hoạt động tăng cường lực lượng, cảnh báo trừng phạt, đóng cửa đại sứ quán, tham dự các Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao, rò rỉ thông tin tình báo đều là một phần trong kế hoạch của mỗi quốc gia nhằm cho thấy họ sẵn sàng đưa ra đe dọa và chấp nhận rủi ro.
Đây là một hình thức của đàm phán rủi ro cao được tiến hành thông qua cả lời nói và hành động nhằm vạch ra tương lai châu Âu như thể nó được quyết định bởi một cuộc chiến, nhưng bằng cách vẽ ra viễn cảnh xung đột thay vì thực sự tiến hành nó.
Nga, bằng cách di chuyển lực lượng tới gần biên giới Ukraine, hy vọng rằng có thể thuyết phục phương Tây và Kiev rằng nước này sẵn sàng chấp nhận một cuộc chiến lớn để đảm bảo các yêu cầu của mình, vì thế, tốt hơn hết là các quốc gia này nên đáp ứng các điều kiện của Nga một cách hòa bình.
Chính quyền Tổng thống Biden, bằng cách khẳng định rằng cuộc tấn công của Nga sắp diễn ra, thậm chí đóng cửa đại sứ quán ở Kiev và đe dọa đáp trả bằng lệnh trừng phạt kinh tế đã cho thấy Moscow không thể trông chờ gì vào sự nhượng bộ từ Mỹ, đồng thời khiến các động thái leo thang ít có giá trị hơn.
Cả hai bên đều cố gắng cho thấy những đe dọa của mình không phải là "nói suông" nhưng càng gia tăng rủi ro thì nguy cơ những tính toán sai lầm vượt tầm kiểm soát càng lớn.
Mỗi bên cũng áp dụng chiến lược mơ hồ với những gì mà mình sẽ chấp nhận hoặc không chấp nhận, cũng như những gì sẽ thực hiện hoặc không thực hiện với hy vọng sẽ khiến đối phương phải chuẩn bị cho tất cả các tình huống và phải phân tán lực lượng.
Việc Nga tuyên bố rút quân ngày 15/2 cũng là một biện pháp như vậy. Bằng cách mập mờ giữa hạ nhiệt và leo thang căng thẳng, Nga đã tăng sức ép để buộc phương Tây phải chuẩn bị cho cả 2 kịch bản. Chiến lược ngoại giao này cũng khiến đối phương khó có thể xác định liệu chiến tranh có xảy ra hay không.
Trong khi đó, Tổng thống Biden tiếp tục chuyển vũ khí tới Ukraine như một thông điệp rằng ông sẽ khiến Nga phải trả giá đắt nếu xung đột xảy ra và sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cụ thể. Chính quyền Mỹ cũng công khai nói rằng Nga đang lên kế hoạch tạo cớ chiến tranh và ám chỉ rằng bất kỳ kế hoạch nào như vậy đều sẽ bị "bóc mẽ".
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
CNN nhận định, ý nghĩa của việc Nga rút quân sẽ được hé lộ thêm trong những ngày tới khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko gặp nhau tuần này. Cuộc gặp trên có thể đưa ra một số dấu hiệu về việc khi nào tập trận ở Belarus kết thúc cũng như khi nào binh lính Nga sẽ quay về.
Khi được hỏi liệu quyết định về việc Nga rút quân khỏi Belarus có được đưa ra trong cuộc họp trên hay không, người phát ngôn điện Kremlin đã trả lời rằng: "Đừng nhảy cóc. Hãy chờ tới khi cuộc gặp diễn ra"./.
Kiều Anh/VOV.VN
Theo: RT, CNN, New York Times