Ở nước Pháp, Hội đồng Hiến pháp vừa công bố danh sách những người đáp ứng đầy đủ mọi điều kiện để trở thành ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 10/4 sắp tới. Theo quy định hiện hành ở đất nước này, điều kiện trên là người ra ứng cử tổng thống phải có được chữ ký giới thiệu của ít nhất 500 chính trị gia. Hội đồng Hiến pháp cho biết có 53 vị không đáp ứng tiêu chuẩn này và chỉ có 12 vị được công nhận là ứng cử viên tổng thống, trong đó có tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron.
Sau nhiệm kỳ cầm quyền 5 năm vừa qua, ông Macron giờ muốn có được nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai. Những đối thủ chính trị đáng gờm nhất của ông Macron trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay là bà Valerie Pecresse thuộc Đảng Bảo thủ, bà Anne Hidalgo thuộc Đảng Xã hội, ông Jean-Luc Melenchon thuộc cánh tả, bà Marine Le Pen thuộc cánh hữu, ông Eric Zemmour thuộc phe cực hữu, ông Yannick Jadot thuộc Đảng Xanh và ông Fabien Roussel thuộc Đảng Cộng sản. Vì có nhiều ứng cử viên nên phiếu bầu bị phân tán khiến cho không ứng cử viên nào có thể giành về được ở ngay lần bầu cử đầu tiên đa số phiếu bầu. Vòng bầu cử thứ hai trở nên cần thiết và dành cho hai ứng cử viên có được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất ở vòng đầu. Vòng bầu cử thứ hai được tiến hành 2 tuần sau vòng bầu cử đầu tiên.
Kết quả thăm dò dư luận ở Pháp cho thấy ông Macron được cử tri tín nhiệm hơn cả, trước bà Le Pen và ông Zemmour. Kết quả bầu cử cuối cùng luôn tiềm ẩn bất ngờ bởi ở vòng bầu cử thứ hai, các ứng cử viên bị loại thường kêu gọi cử tri ủng hộ mình dồn phiếu bầu cho ứng cử viên nào đấy.
Trong nhiệm kỳ cầm quyền vừa qua, ông Macron đạt được thành quả nhất định, nhưng không đặc biệt nổi bật đến mức độ chỉ dựa cậy vào đấy là có thể chắc chắn sẽ tái đắc cử. Nội bộ chính trường và xã hội nước Pháp vẫn bị phân rẽ sâu sắc. Nước Pháp vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn tác động tiêu cực của dịch bệnh và sa sút tăng trưởng kinh tế. Ông Macron đề ra mục tiêu đầy tham vọng là khôi phục lại vai trò, vị thế và ảnh hưởng chính trị thế giới của cường quốc thế giới và gây dựng vai trò lãnh đạo, dẫn dắt EU cho nước Pháp nhưng chưa được mấy thành công.
Trong bối cảnh tình hình như thế, cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Pháp còn bị tác động mạnh bởi chiến sự ở Ukraine. Ông Macron tận dụng lợi thế đặc biệt mà tất cả 11 ứng cử viên kia đều không thể có được để vận động tranh cử là tổng thống đương nhiệm và cương vị chủ tịch EU luân phiên. Trong nửa đầu của năm 2022, tức là trong khoảng thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, nước Pháp đảm trách cương vị chủ tịch EU luân phiên. Chương trình nghị sự của ông Macron cho cương vị này được xây dựng ngay từ đầu phục vụ cho cuộc vận động tranh cử. Người ta dễ dàng nhận thấy ông Macron rất chủ động và tích cực tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với tổng thống Nga Vladimir Putin từ sau khi chiến sự bùng phát ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Mục đích của ông Macron là gây dựng hình ảnh về người xử lý cuộc khủng hoảng chính trị an ninh hiện tại ở châu Âu và dẫn dắt, định hướng cho EU đi vào tương lai. Đối ngoại như thế có thể đóng vai trò rất quyết định tới cơ may được tái đắc cử đối với ông Macron. Cho tới nay, mọi nỗ lực ngoại giao của ông Macron đều chưa làm thay đổi quan điểm và chủ định của ông Putin về Ukraine.
Trong cuộc bầu cử tổng thống này ở nước Pháp, ai thắng hay thua chỉ là một chuyện. Chuyện khác quan trọng đáng kể không kém là ai thắng hay thua với tỷ lệ phiếu bầu cao thấp như thế nào. Tổng thống mới của nước Pháp, bất kể lại là ông Macron hay người mới, đều phải trực diện những khó khăn và thách thức không dễ khắc phục chút nào đối với nước Pháp trong bối cảnh tương lai chính trị an ninh cho châu Âu đầy bất định./.
Hoàng Lan