Những sự kiện diễn ra trong tuần này ở châu Âu có ý nghĩa và tác động quyết định đối với tương lai của khối các nước phương Tây nói chung và kết cục thắng thua trong cuộc đối địch hiện tại với Nga nói riêng. Tổng thống Mỹ Joe Biden công du châu Âu và trước đấy tiến hành điện đàm với lãnh đạo nhiều nước đồng minh ở châu Âu. Chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, cho dù hiện chưa biết sẽ còn dai dẳng đến khi nào và rồi sẽ kết cục ra sao, đã gắn kết nội bộ khối các nước phương Tây như chưa từng thấy kể từ trước đến nay. Các nước này giờ nhận thức rằng chỉ khi co cụm thành một khối thống nhất thực sự, chỉ khi thống nhất quan điểm và phối hợp hành động thì mới có thể làm cho nước Nga cũng như tổng thống Nga Vladimir Putin thua ở Ukraine và thất thế về chính trị an ninh, quân sự trên thế giới nói chung và ở châu Âu nói riêng.
Ông Biden tham dự cuộc gặp với lãnh đạo các nước thành viên EU, hội nghị cấp cao của NATO và của nhóm G7, rồi tới thăm Ba Lan. Chủ đề nội dung chính và gần như duy nhất trên chương trình nghị sự của tất cả các sự kiện này là đối phó Nga như thế nào và phải làm gì để đảm bảo an ninh dưới tác động của các diễn biến mới, tức là ứng phó với những thách thức về an ninh và ổn định ở thời kỳ sau khi chiến sự ở Ukraine chấm dứt.
Ở tất cả các sự kiện này, việc các nước thuộc khối phương Tây đạt được sự đồng thuận quan điểm sẽ không khó khăn gì. Tất cả đều muốn Nga nhanh chóng chấm dứt hoạt động quân sự ở Ukraine và triệt thoái quân đội về nước. Tất cả đều muốn Ukraine không thua trận và hậu thuẫn Ukraine như có thể được về chính trị, quân sự, tài chính để Ukraine đấu chọi với Nga. Những biện pháp chính sách gây khó khăn cho Nga đã được áp dụng đến nay sẽ được tăng cường áp dụng cả về mức độ quyết liệt lẫn phạm vi. Tất cả đều nhất trí tăng cường như có thể được việc cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại cho Ukraine. Mỹ, EU, NATO và G7 đều nhìn nhận ở Ukraine hiện đang diễn ra trận chiến quyết định giữa hệ giá trị và mô hình hệ thống nhà nước phương Tây với hệ giá trị và mô hình hệ thống nhà nước mà các nước phương Tây gọi chung là độc tài, độc đoán cầm quyền. Đồng thời, tất cả cũng nhất trí về ranh giới đỏ là NATO không tham dự trực tiếp vào chiến sự ở Ukraine, là không để xảy ra đụng độ vũ trang trực tiếp giữa NATO và Nga cũng như không để xảy ra chiến tranh hạt nhân ở châu Âu.
Ông Biden tận dụng chuyến đi châu Âu và các hoạt động nói trên ở châu Âu nhằm trấn an đồng minh, răn đe Nga và thể hiện cũng như tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khối các nước phương Tây nói chung và tập hợp, dẫn dắt các nước này đối phó Nga. Mỹ và đồng minh quyết tâm co cụm. Tuy nhiên, đoàn kết nhất trí và thống nhất nội bộ thật sự trên thực tế không dễ khả thi. Chẳng hạn như Mỹ cấm nhập khẩu dầu lửa của Nga và mong muốn đồng minh cùng làm khô kiệt nguồn thu của Nga từ xuất khẩu dầu lửa và khí đốt nhưng nhiều thành viên EU và NATO ở châu Âu vẫn tiếp tục nhập khẩu năng lượng từ Nga. Hay như đâu có phải tất cả các thành viên của khối đều đồng ý đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của Ukraine về cung cấp vũ khí và thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine. Ngoài ra, không phải tất cả mà chỉ có một số thành viên trong khối quyết định tăng ngân sách quốc phòng hàng năm lên mức 2% như đã được thỏa thuận và quyết định trong NATO. Điều đáng được chú ý nữa là những sự kiện nói trên của các nước thuộc khối phương Tây chỉ tập trung chủ yếu vào việc đối phó Nga chứ không vào việc tìm kiếm giải pháp chính trị ngoại giao hoà bình cho chuyện chiến sự hiện tại giữa Nga và Ukraine./.
Hoàng Lan