Hôm 28/3, lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ, Israel, và 4 nước Arab (Ai Cập, Bahrain, UAE và Marốc) đã nhóm họp, để thúc đẩy các hợp tác đa phương trong các vấn đề của khu vực Trung Đông. Hội nghị đặc biệt quan tâm đến vấn đề Iran và hòa bình cho cuộc xung đột Israel - Palestine.
Hội nghị được lên kế hoạch “chớp nhoáng” ngay trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Trung Đông. Địa điểm được chọn tổ chức là thị trấn Sde Boker ở sa mạc Negev của Israel; thay vì tại nơi “nhạy cảm chính trị” như Jerusalem.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 27-28/3, đã tập trung thỏa luận về các vấn đề liên quan đến Iran, từ chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo cho tới sức ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Với việc đăng cai tổ chức hội nghị, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid mong muốn: “Mô hình hợp tác mới này và những gì chúng ta chia sẻ nhằm ngăn cản kẻ thù chung của chúng ta. Đầu tiên và quan trọng nhất là Iran và các lực lượng ủy nhiệm được Iran hậu thuẫn. Đây là cuộc gặp đầu tiên nhưng không phải là cuối cùng. Đêm qua, chúng ta đã quyết định biến hội nghị này thành một diễn đàn thường trực”.
Với Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif Bin Rashid Al Zayani - hội nghị là sự tiếp nối thành công của Hiệp định hòa bình Abraham giữa Israel và các nước Arab, với sự trung gian của Mỹ năm 2020: “Đây là cuộc họp quan trọng và kịp thời, đồng thời là cơ hội để xây dựng Hiệp định Abraham 2020 “lịch sử” phát triển ở phạm vi rộng lớn, nhằm phát triển sự thịnh vượng của khu vực, bảo vệ an ninh và hiện thực hóa nguồn cảm hứng của tất cả các nước trong khu vực.”
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry lại muốn thông qua hội nghị này, để thúc đẩy cách thức giải quyết xung đột Israel - Palestine - vốn đã bị trì trệ từ lâu: “Trong các cuộc thảo luận tại hội nghị, chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, tầm quan trọng của việc duy trì sự tin cậy và khả năng tồn tại của giải pháp hai nhà nước: Israel và Palestine có thể chung sống trong hòa bình với các biên giới đã được công nhận”.
Hội nghị đã khép lại chiều qua (theo giờ địa phương). Dù không đi tới kết quả rõ ràng, cụ thể nào, song hội nghị là cơ hội để các nước hiểu nhau hơn. Mỹ đã có dịp để lắng nghe những quan ngại của Israel và các nước Arab về viễn cảnh một thỏa thuận hạt nhân “không rộng lớn, chặt chẽ” mà Mỹ và các cường quốc thế giới sắp đạt được với Iran, một thỏa thuận bỏ qua chương trình tên lửa đạn đạo và không ngăn chặn nổi Iran hậu thuẫn các nhóm vũ trang nổi dậy trong khu vực.
Còn các nước Arab có cơ hội thẳng thắn thúc ép Mỹ và Israel giải quyết các vấn đề cho người Palestine. Theo các nước Arab, việc bình thường hóa quan hệ với Israel cần tạo ra nguồn năng lượng “tích cực” cho người Palestine “anh em”. Ngoại trưởng Mỹ cũng đã ủng hộ điều này, trong đó cũng nhấn mạnh tới giải pháp hai nhà nước.
Ngoài ra, tại hội nghị, Ngoại trưởng các nước cũng bàn đến các vấn đề về năng lượng, an ninh lương thực do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra, cuộc chiến tại Libya và các quan ngại về chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.
Theo giới phân tích, hội nghị đầu tiên, hiếm có được tổ chức tại Israel trong 2 ngày qua bước đầu đã thành công, song chưa “thành công hoàn toàn”, bởi sự vắng mặt của Jordan - quốc gia đã bình thường hóa với Israel từ năm 1994. Thay vì cử Ngoại trưởng đến Israel tham gia hội nghị, Quốc vương Jordan đã tới Ramallah, Bờ Tây, để gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas./.
Đình Nam/VOV1 (tổng hợp)