Cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Pháp không khác lần bầu cử tổng thống cách đây 5 năm. Cử tri phải hai lần đi bỏ phiếu mới xác định được tổng thống mới.
Vẫn hai người cũ dẫn đầu ở vòng bầu cử đầu tiên diễn ra ngày 10/4 vừa qua là ông Emmanuel Macron thuộc đảng "Nền cộng hoà lên đường" và bà Marine Le Pen thuộc đảng "Tập hợp quốc gia". Hai người này sẽ trực diện nhau trong cuộc đấu loại trực tiếp vào ngày 24/4 tới - như đã đấu tay đôi với nhau cách đây 5 năm. Nhưng so với lần bầu cử tổng thống trước thì cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Pháp có hai khác biệt rất cơ bản.
Thứ nhất, ông Macron bây giờ là tổng thống đương nhiệm và tái ứng cử chứ không mới mẻ như cách đây 5 năm và cử tri Pháp hiểu biết rất rõ về quan điểm chính sách và năng lực cầm quyền của ông Macron. Thứ hai, bà Le Pen đã gây dựng được hình ảnh mới về mình, bớt cực đoan thái quá, tránh sa đà vào những chủ đề nội dung tranh cử gây phân rẽ nội bộ xã hội. Vì thế, ông Macron tuy vẫn dẫn đầu sau vòng bầu cử đầu tiên, nhưng cũng chỉ đạt 27,6% phiếu bầu trong khi bà Le Pen giành về 23%, thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa mình và ông Macron so với cách đây 5 năm.
Nói theo cách khác, bà Le Pen năm nay nguy hiểm hơn trước rất nhiều đối với triển vọng tái đắc cử của ông Macron. Hơn một phần ba cử tri Pháp tham gia cuộc bầu cử ngày 10/4 vừa qua đã bỏ phiếu cho các ứng cử viên thuộc phe cánh hữu, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa. Diện cử tri này chắc chắn không ủng hộ ông Macron ở vòng bầu cử thứ hai. Các đảng Bảo thủ, Xã hội, Đảng Xanh và Đảng Cộng sản đã kêu gọi cử tri Pháp bỏ phiếu bầu ông Macron ở vòng bầu cử thứ hai, nhưng nếu gộp tất cả lại thì ông Macron mới chỉ có được khoảng 40% phiếu bầu. Trong khi đó, phe cánh của bà Le Pen đã có 33%. Cho nên số lượng khoảng 7,5 triệu cử tri Pháp, chiếm 22,2%, đã bỏ phiếu bầu ứng cử viên cánh tả dân tuý Jean-Luc Melenchon sẽ quyết định số phận chính trị của ông Macron và tương lai chính trị của bà Le Pen.
Tuy ông Melenchon đã tuyên bố không ủng hộ bà Le Pen nhưng diện cử tri đã bầu ông Melenchon vốn rất bất bình với ông Macron. Vì nước Pháp hiện đã sẵn sàng chấp nhận tổng thống có quan điểm chính sách cầm quyền cực đoan nên không thể loại trừ khả năng diện cử tri này sẽ bầu bà Le Pen để phản đối ông Macron. Kết quả cuộc đấu cũ vào ngày 24/4 tới vì thế hiện bất định và ông Macron hiện có nhiều hơn là đủ lý do xác đáng để lo ngại thật sự về nguy cơ bị thất cử.
Người này mắc phải hai sai lầm nghiêm trọng trong thời gian ngay trước ngày bầu cử. Thứ nhất là quá tự tin vào tái đắc cử nên không tiến hành cuộc vận động tranh cử thực thụ, trái ngược hoàn toàn so với bà Le Pen. Người ta thấy ông Macron gần như chỉ tập trung vào gây dựng vai trò riêng trong cuộc chiến hiện tại ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Nhưng bi hài thay khi chuyện cuộc chiến này gần như không đóng vai trò gì trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Pháp. Các ứng cử viên tổng thống khác lại coi trọng chuyện đối nội hơn đối ngoại trong vận động tranh cử, đặc biệt là bà Le Pen. Thứ hai là ông Macron vừa quá coi thường phe cánh tả nên không coi trọng việc tranh thủ cánh tả, đồng thời lại quá tin rằng phe cánh hữu, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa đã bị kiềm chế ở nước Pháp.
Năm nay, bà Le Pen có triển vọng đắc cử tổng thống Pháp sáng sủa hơn bao giờ hết. Cũng vì thế mà trong thời gian cho đến ngày 24/4 tới, ông Macron sẽ phải vận động tranh cử thật sự với ý tưởng chính sách mới để tranh thủ cử tri đã bầu cho các ứng cử viên thuộc cánh tả, phe Bảo thủ, Đảng Xanh, Đảng Xã hội và đảng Cộng sản thì mới có thể được tiếp tục cầm quyền./.
Hoàng Lan