Lý do ngày Chiến thắng phát xít 9/5 có tầm quan trọng đối với Nga và Tổng thống Putin

Vì sao Ngày Chiến thắng 9/5 lại có một sức mạnh đáng kể như vậy trong nền chính trị Nga?

 

Trong nhiều năm, ngày Chiến thắng phát xít 9/5 là một ngày trọng đại của Liên Xô trước đây và nước Nga hậu Xô viết. Nhưng ngày lễ đó cũng có những thăng trầm. Tổng thống Putin đã phục hồi ngày lễ này, với một tầm nhìn địa chính trị.

Tổ chức duyệt binh kỷ niệm 9/5 bất chấp Covid-19 bùng phát mạnh

Ngay trong những ngày đen tối của đại dịch Covid-19 vào năm 2020, Nga vẫn không hủy việc tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít 9/5, mà chỉ tạm hoãn. Năm nay (2022), điện Kremlin đã hứa hẹn một cuộc duyệt binh hoành tráng trên Quảng trường Đỏ vào đúng ngày 9/5 với sự tham gia của 11.000 quân nhân cộng thêm 62 máy bay cánh cố định và 15 trực thăng. Tám chiếc chiến đấu cơ MiG-29 dự kiến sẽ tạo thành hình chữ Z được quân đội Nga sử dụng trên chiến trường Ukraine.

Một lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ kỷ niệm ngày Chiến thắng phát xít 9/5. Phía sau quốc kỳ Nga là lá quân kỳ Hồng quân với biểu tượng búa liềm. (Ảnh: Alamy)Giới bình luận quốc tế cho rằng Nga đang rất cần một chiến thắng trước ngày lễ trọng đại này. Việc Nga chuyển hướng quân sự, tập trung vào vùng Donbass của Ukraine, được cho là để kịp với ngày lễ 9/5. Trong trường hợp Nga chưa giành được một thắng lợi quyết định vào hoặc trước ngày này, giới quan sát dự báo Nga có thể sử dụng ngày đó làm điểm tựa để huy động thêm lực lượng cho cuộc chiến.

Vì sao Ngày Chiến thắng 9/5 lại có một sức mạnh đáng kể như vậy trong nền chính trị Nga?

Giai đoạn ngay sau thắng lợi của Chiến tranh Vệ quốc

Sau khi đánh bại hoàn toàn quân đội phát xít Đức, lãnh tụ Liên Xô Stalin công bố trên làn sóng phát thanh vào ngày 9/5/1945 như sau: “Vinh quang thay Hồng quân anh hùng của chúng ta, đã giữ vững nền độc lập của Tổ quốc và chiến thắng quân thù! Vinh quanh thay nhân dân vĩ đại của chúng ta - dân tộc chiến thắng! Vinh quang bất diệt cho các anh hùng đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù, hy sinh tính mạng vì tự do và hạnh phúc của nhân dân chúng ta”.

Trong các tuần kế tiếp, những người lính Hồng quân đầu tiên được giải ngũ đã trở về quê nhà. Tại các thành phố trên khắp Liên Xô, người ta tổ chức nhiều hoạt động đón tiếp với cờ hoa, chân dung Stalin, những đoàn công dân vui mừng chào đón việc chiến tranh chấm dứt và tỏ lòng tri ân các chiến sĩ.

Tuy nhiên, thời gian đầu, ngày 9/5 chưa hẳn là một ngày lễ lớn.

Vào năm 1945, nền kinh tế Liên Xô bị tàn phá, nhiều người dân Xô viết bị thương về thể xác và chịu nhiều đau khổ về tinh thần do các mất mát to lớn trong cuộc chiến tranh tàn khốc vừa mới kết thúc. Khi ấy, tưởng nhớ chiến tranh có thể gợi lên nỗi đau, thậm chí có thể gây chia rẽ. Phải mất 2 thập kỷ sau đó, việc tưởng niệm cuộc Chiến tranh Vệ quốc mới trở thành một nhân tố chủ đạo trong chủ nghĩa yêu nước của Liên Xô rồi sau đó là của nước Nga - quốc gia kế thừa Liên Xô.

Sau khi hạnh phúc vì được sống sót trở về sau chiến tranh, các cựu chiến binh Xô viết đối mặt với cuộc sống bộn bề khó khăn vào cuối thập niên 1940. Nhiều cựu binh, đặc biệt là các thương binh, rơi vào tình trạng thất nghiệp và vô gia cư. Nhiều cựu binh phải làm đủ nghề như chơi đàn rong, bói toán, thậm chí đi hành khất.

Trước thực tế ấy, một nhóm công nhân đã viết thư trực tiếp cho lãnh tụ Stalin để than phiền về chính sách đối đãi các cựu chiến binh Vệ quốc. Họ viết như sau: “Chúng tôi không muốn thấy các anh hùng của chúng ta - những chiến binh chiến thắng, lại phải xếp hàng dài, đi buôn ở chợ trời, sống đời cơ cực từng bữa”.

Vào tháng 12/1947, chỉ hai năm sau khi ra đời, ngày lễ 9/5 đã bị hạ cấp, không còn là ngày lễ quốc gia nữa, mà chỉ là một ngày lao động bình thường.

Thời Stalin, hoạt động kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến II nặng về đề cao công lao quân sự của cá nhân ông Stalin.

Sau khi Stalin qua đời, người kế nhiệm ông là Nikita Khrushchev tiến hành xóa bỏ tình trạng sùng bái cá nhân. Điện ảnh thời kỳ này của Liên Xô bắt đầu nói nhiều hơn về các đau thương mất mát của người dân Liên Xô thời chiến.

Một cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít, trên Quảng trường Đỏ (Moscow, Nga). (Ảnh: Financial Times)Ngày lễ 9/5 được đề cao trở lại

Mãi đến giữa thập niên 1960, Liên Xô bắt đầu tích cực kỷ niệm thắng lợi của họ trong Thế chiến II. Và vào năm 1965, một lần nữa ngày 9/5 được lấy làm ngày lễ quốc gia. Hai năm sau đó, lãnh tụ Liên Xô Leonid Brezhnev khai trương công trình mộ chiến sĩ vô danh. Tình trạng đói nghèo hậu chiến tranh vào lúc này đã dịu đi nhiều. Các cựu chiến binh, lúc này bước sang tuổi trung niên và cao niên, được ca ngợi như các anh hùng.

Từ khi ấy, cứ mỗi dịp mồng 9/5, các cựu chiến binh lại đi thăm các trường học ở địa phương, kể lại câu chuyện chiến đấu của mình, và được tặng hoa.

Đến khi Liên Xô sụp đổ, hoạt động kỷ niệm 9/5 có suy giảm với nhiều điều chưa được rõ lắm.

Vào thập niên 1990 (sau khi Liên Xô tan rã), ký ức của người Nga trong lĩnh vực chính trị dường như phân ra nhiều hướng. Nước Nga hậu Xô viết loay hoay với câu hỏi: Cần theo đuổi một bản sắc dân tộc nào đây và nên sử dụng lịch sử ra sao trong công cuộc tái thiết?

Phải đến năm 2000, nhà lãnh đạo Nga Putin bắt đầu phát triển một định hướng rõ ràng: Ông coi sự tan rã của Liên Xô như một “thảm họa nhân đạo lớn”. Ông cổ xúy cho chủ nghĩa dân tộc Nga theo hướng khôi phục lại uy thế một thời của nước Nga.

Tổng thống Nga Putin không nhắc nhiều đến sự kiện chính trị rung chuyển thế giới vào tháng 11/1917. Tuy nhiên, giai đoạn Thế chiến II của Liên Xô lại có ý nghĩa lớn đối với ông. Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, khi Nga (lúc ấy là thành viên chủ chốt và lớn nhất của Liên Xô) có tầm ảnh hưởng toàn cầu lớn nhất./.

Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch
Nguồn: The Conversation

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận