Chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine cho dù còn kéo dài bao lâu và rồi kết cục như thế nào thì cũng vẫn làm cho việc Ukraine gia nhập NATO chỉ thêm khó khăn và phức tạp chứ không thể nhanh chóng và dễ dàng, thậm chí có thể làm cho NATO không bao giờ thu nạp được Ukraine vào hàng ngũ thành viên. Dù vậy, NATO vẫn sẽ có được lần mở rộng liên minh quân sự mới với việc Thụy Điển và Phần Lan quyết định xin gia nhập NATO.
Cả hai nước Bắc Âu này và NATO đều bất chấp mọi quan ngại, cảnh báo và răn đe lâu nay của Nga. Họ biện luận rằng chính chiến sự ở Ukraine là cú hích quyết định nhất cuối cùng khiến Thụy Điển và Phần Lan quyết định từ bỏ chính sách trung lập để gia nhập NATO. Hai nước này cho rằng phải gia nhập liên minh quân sự thì mới có thể đảm bảo được an ninh trước thách thức và đe dọa an ninh từ phía Nga. Còn NATO thực ra đã mơ ước từ lâu là có thêm các nước trung lập ở Bắc Âu trong liên minh để có thể vừa xích lại gần biên giới Nga vừa có thêm gọng kìm bao vây Nga về chiến lược và chiến thuật ở phía bắc.
Việc thu nạp Thụy Điển và Phần Lan vào liên minh sẽ được NATO vận hành rất nhanh chóng bởi tính thời sự về chính trị an ninh trên châu lục và bởi hai nước này thật ra đã chân trong chân ngoài với NATO từ rất lâu rồi thông qua hợp tác rất chặt chẽ với NATO về chính trị, quân sự, quốc phòng và an ninh. Cho tới nay, trong số các thành viên NATO chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ biểu lộ thái độ không thuận cho việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Lý do chính được phía Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là hai nước Bắc Âu này chứa chấp những lực lượng người Kurd bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức và phần tử khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một số điều kiện tiên quyết đối với NATO và hai ứng cử viên kia để đổi lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ không sử dụng quyền phủ quyết trong NATO. Dù vậy, tất cả đều biết Thổ Nhĩ Kỳ làm mình làm mẩy thế thôi để được cao giá trong NATO, có thêm con bài mới trong quan hệ với hai nước Bắc Âu kia và Nga, trước hết nhằm vào tác động dân túy to lớn về đối nội ở Thổ Nhĩ Kỳ, chứ rồi đây chắc chắn sẽ không cản trở Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.
NATO sẽ thêm đông thành viên. NATO tự tin cho rằng nhờ đấy mà NATO mạnh thêm lên đáng kể về mọi phương diện, đặc biệt củng cố và tăng cường được thế và lực phục vụ cho việc đối địch Nga hiện tại, liên quan đến Ukraine cũng như cả trong tương lai. NATO có được thật như thế hay không còn phụ thuộc vào phản ứng và đối phó của Nga. Điều có thể chắc chắn được là cục diện chính trị an ninh ở châu Âu sẽ trở nên thêm phức tạp, các cấu trúc an ninh chung cho cả châu lục tồn tại đến nay đều không còn có thể phát huy tác dụng và châu lục này bị phân chia về chính trị an ninh thành phe phái rõ rệt.
NATO lại mở rộng như thế sẽ làm cho mối quan hệ giữa NATO với Nga nói chung và giữa NATO với một số thành viên ở châu Âu thêm căng thẳng, mức độ đối đầu sẽ gia tăng rõ rệt và sự tin cậy lẫn nhau rất khó có thể được gây dựng. Tình trạng này làm cho châu Âu không thể tránh khỏi thêm bất an và bất ổn, gia tăng chạy đua vũ trang và luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột ở vùng biên giới giữa NATO và Nga.
Việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO tác động trực tiếp tới diễn biến và kết cục của chiến sự giữa Nga và Ukraine. Đối với Nga, mục tiêu càng thêm quan trọng và lợi ích chiến lược càng thêm cấp thiết là không để cho Ukraine và những nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây gia nhập NATO. Cho nên chắc chắn Nga sẽ chỉ chấp nhận giải pháp chính trị hòa bình cho chiến sự ở Ukraine khi có được sự đảm bảo thực sự là NATO không thể thu nạp thêm các nước thuộc diện nói trên./.
Hoàng Lan