Củng cố đồng minh, định hướng hợp tác

Việc ông Biden tăng cường củng cố đồng minh và định hướng hợp tác ở châu Âu và khu vực báo hiệu nhiều chuyển biến lớn trong thời gian tới.

 

Trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Hàn Quốc và Nhật Bản, rồi tham dự cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của nhóm bốn nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia - còn được gọi là Bộ tứ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thời gian qua, chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine buộc Mỹ phải quan tâm đến hàng đầu, tập trung ưu tiên ứng phó. Ông Biden đã tận dụng chuyện chiến sự ở Ukraine để xác lập và tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khối các nước phương Tây nói chung và đối với các đồng minh và đối tác chiến lược ở châu Âu nói riêng. Sau khi cơ bản định hình được đường hướng đối phó Nga và tập hợp được lực lượng đối phó Nga ở châu Âu, chính quyền của ông Biden dường như cho rằng đã có thể trở lại với ưu tiên chính sách dành cho khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trước khi bắt đầu chuyến đi tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Biden đã tổ chức cuộc gặp cấp cao đặc biệt giữa Mỹ và ASEAN. Sự kiện này và kết quả của nó được đánh giá chung là đã mở ra một "kỷ nguyên hợp tác mới" giữa Mỹ và ASEAN. Ông Biden chưa tới khu vực xa trên cương vị tổng thống Mỹ nhưng đã phát đi thông điệp thể hiện sự coi trọng ASEAN trong chiến lược của Mỹ đối với khu vực. Điều này cũng được thể hiện và khẳng định trong bản tuyên bố chung của nhóm Bộ tứ sau cuộc gặp ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản.

Tổng thống Biden chọn Hàn Quốc và Nhật Bản là các điểm đến cho chuyến công du châu Á từ ngày 20 - 24/5. (Ảnh: REUTERS)Mục đích của ông Biden với chuyến đi này là thể hiện Mỹ hiện tại tuy buộc phải bận tâm với chuyện đối phó Nga ở châu Âu sao cho Nga chỉ có thể thua chứ không thể thắng trong chiến sự ở Ukraine nhưng vẫn quan tâm đặc biệt tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ vẫn kiên định chủ ý gây dựng và tăng cường vai trò và ảnh hưởng dẫn dắt trên mọi phương diện chính sách và ở mọi khía cạnh quan hệ quốc tế ở khu vực lớn này. Mỹ không sao nhãng chuyện đối phó và cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, xử lý vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như cấu trúc toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo mưu tính và lợi ích chiến lược lâu dài của Mỹ.

Ông Biden muốn trấn an Hàn Quốc và Nhật Bản là hai đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ trong bối cảnh tình hình cả hai lo ngại ngày càng tăng về thách thức và đe dọa an ninh từ phía Trung Quốc và Triều Tiên. Trong thời gian từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã 16 lần phóng tên lửa và ngay sau khi ông Biden trở về Mỹ, Triều Tiên lại phóng tên lửa. Đối sách của ông Biden là củng cố mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Biden đã phát đi thông điệp rất rõ ràng và mạnh mẽ về ủng hộ Nhật Bản và Hàn Quốc và thông điệp cảnh báo và răn đe cũng rất rõ ràng và mạnh mẽ đối với Trung Quốc và Triều Tiên. Kết quả cụ thể là thỏa thuận mới giữa Mỹ và Hàn Quốc về tăng cường tần số và mở rộng phạm vi các cuộc tập trận quân sự chung, hợp tác và trợ giúp để Hàn Quốc nâng cao tiềm lực về tên lửa và không quân. Ở Nhật Bản, ông Biden tuyên bố ủng hộ Nhật Bản trở thành ủy viên thường trực mới của HĐBA LHQ trong khuôn khổ cuộc cải tổ LHQ. Và ông Biden lại một lần nữa quả quyết Mỹ sẽ can dự trực tiếp về quân sự để bảo vệ an ninh cho Đài Loan trong trường hợp Đài Loan bị ai đó bên ngoài tấn công.

Với việc khởi động các cuộc trao đổi về Khuôn khổ kinh tế vì thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo đề xuất của ông Biden, Bộ tứ đã cụ thể thêm định hướng hợp tác của họ ở khu vực lớn này. Sự chủ động của Mỹ và sự đồng thuận quan điểm giữa 4 nước với nhau về chính trị an ninh khu vực - như tôn trọng luật pháp quốc tế và không chấp nhận thay đổi hiện trạng bằng vũ lực - và về định hướng hợp tác trong khu vực báo hiệu nhiều chuyển biến lớn trên mọi phương diện trong thời gian tới./.

Hoàng Lan

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận