Giữa Mỹ và Hàn Quốc với Triều Tiên hiện có những biểu hiện cho thấy căng thẳng gia tăng. Sự thay đổi tổng thống ở Mỹ hồi năm ngoái và ở Hàn Quốc vừa mới đây cũng như khó khăn mới của Triều Tiên do dịch bệnh gây ra dường như đã không là dịp được ba đối tác này tận dụng để cùng nhau giải quyết những vấn đề chính trị an ninh gay cấn dai dẳng lâu nay ở khu vực Đông Bắc Á và ở trong các mối quan hệ song phương giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc. Nhưng có một sự khác biệt so với thời kỳ trước. Trong khi phía Triều Tiên vẫn theo cách hành xử lâu nay là liên tục phóng tên lửa và rậm rịch tiếp tục chương trình hạt nhân cũng như cự tuyệt mọi đề nghị tiếp xúc và đối thoại của Mỹ thì Mỹ và Hàn Quốc tăng cường không những chỉ thống nhất quan điểm với nhau về Triều Tiên mà còn cả phối hợp hành động cùng đối phó những động thái từ phía Triều Tiên. Bằng cách "lấy khác trước đấu như trước" này, tổng thống Mỹ Joe Biden và tân tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đang thực thi cách đối phó Triều Tiên khác với người tiền nhiệm của họ.
Cũng như ông Biden, ông Yoon Suk-yeol vừa thể hiện thiện chí đối thoại với lãnh đạo Triều Tiên, cải thiện quan hệ của Hàn Quốc với Triều Tiên vừa sẵn sàng thể hiện phản ứng cứng rắn đối với việc Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân và phóng tên lửa. Ông Biden đến thăm Hàn Quốc đầu tiên trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Triều Tiên liên tiếp tiến hành phóng tên lửa từ đầu năm nay và thậm chí cả vào thời điểm ngay trước khi ông Biden đến Hàn Quốc. Ngay sau khi ông Biden kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản, Triều Tiên lại phóng tên lửa, lại thử nghiệm nhiều loại tên lửa hiện đại mới khác nhau. Khi ở thăm Hàn Quốc, ông Biden thoả thuận với tân tổng thống Hàn Quốc về việc hai bên tăng cường tập trận quân sự chung, tăng số lượng và mở rộng phạm vi các cuộc tập trận quân sự chung trong nhận thức rằng chuyện tập trận quân sư chung này xưa nay vốn luôn đặc biệt nhạy cảm đối với Triều Tiên. Ông Biden rời Hàn Quốc và Nhật Bản về nước được có mấy ngày, Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận hải quân chung với quy mô lớn. Phản ứng của Triều Tiên là phóng tên lửa, cụ thể là phóng liền 8 quả tên lửa trong khoảng thời gian ngắn. Mỹ và Hàn Quốc đáp trả bằng việc phóng tên lửa hành trình tầm ngắn và cũng phóng đi 8 quả tên lửa. Ở thời chính quyền tiền nhiệm của ông Biden và ông Yoon Suk-yeol, Mỹ và Hàn Quốc không ăn miếng trả miếng Triều Tiên như vậy.
Qua đó có thể thấy định hướng quan điểm chính sách của ông Biden và ông Yoon Suk-yeol đối với Triều Tiên bao hàm 4 nội dung cơ bản là Mỹ và Hàn Quốc tăng cường thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong quan hệ với Triều Tiên, vừa thể hiện thiện chí mời chào Triều Tiên đi vào đối thoại vừa thể hiện cứng rắn và quyết liệt trong đối phó Triều Tiên, duy trì các biện pháp chính sách trừng phạt và cấm vận Triều Tiên, và sẵn sàng dùng việc tăng cường hoạt động quân sự chung ở khu vực Đông Bắc Á để đối phó việc Triều Tiên tiếp tục sử dụng chiêu thức phóng tên lửa.
Cũng từ định hướng quan điểm chính sách này mà còn có thể thấy Mỹ và Hàn Quốc luôn trù liệu rằng Triều Tiên sẽ lại thử nghiệm hạt nhân trong thời gian tới - lần thử nghiệm thứ 7 từ trước đến nay và sẽ là lần đầu tiên kể từ hơn 5 năm trở lại đây. Mỹ và Hàn Quốc dường như luôn chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với tình huống có thể xảy ra vào bất cứ khi nào là Triều Tiên lại thử nghiệm hạt nhân. Việc ông Biden và ông Yoon Suk-yeol chủ trương xử lý quan hệ của Mỹ và Hàn Quốc với Triều Tiên có phần rất khác so với những người tiền nhiệm của họ chắc chắn khiến cho phía Triều Tiên sẽ còn tiếp tục phóng tên lửa nhưng không thể không rất cẩn trọng với việc lại tiến hành thử nghiệm hạt nhân./.
Hoàng Lan