Bài phát biểu trên truyền hình của tổng thống Macron tối ngày 10/12 vừa qua về tình trạng hỗn loạn và bạo lực từ các cuộc biểu tình phản đối của người dân ở nước Pháp, đặc biệt ở thủ đô Paris, được đánh giá rất khác nhau ở châu Âu và trong nước Pháp về phương diện tác động cụ thể và hiệu ứng thiết thực.
Dù khác nhau, nhưng có sự nhất trí quan điểm chung là ông Emmanuel Macron đã phải nhượng bộ, đã phải xuống thang và đã phải chấp nhận thất thế trước dân chúng ở Pháp. Sự bùng phát nhanh chóng làn sóng biểu tình phản đối, sự ủng hộ sâu rộng của dân Pháp dành cho làn sóng biểu tình phản đối này, mức độ quyết liệt và bạo lực của cuộc biểu tình phản đối cũng như tình trạng hỗn loạn và phá phách trong thủ đô Paris suốt 4 tuần qua đã buộc ông Macron phải công khai bày tỏ thái độ và thể hiện quan điểm.
Trong 13 phút phát biểu trên truyền hình, ông Macron tỏ ra cầu thị, nhận sai và sửa sai ngay bằng một số biện pháp chính sách mới. Người biểu tình phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu của chính phủ thì chính phủ của ông Macron đã rút lại những biện pháp chính sách ấy. Người biểu tình đòi tăng mức lương tối thiểu và không đánh thuế lương hưu thì bây giờ được ông Macron đáp ứng. Ông Macron còn đi xa hơn thế nữa khi tuyên bố không đánh thuế vào thu nhập từ làm việc ngoài giờ và khích lệ giới chủ tặng tiền Noel cho người lao động. Ông Macron không xin lỗi nhưng tỏ ra ăn năn hối hận vì đã dùng ngôn từ không thích hợp khiến một bộ phận dân chúng ở Pháp cảm nhận thấy bị tổn thương và xúc phạm. Ông Macron vẫn bảo vệ chính sách tạo thuận lợi về thuế cho người có thu nhập cao - mà vì thế bị đa số dân Pháp coi là "Tổng thống của người giàu". Ông Macron cho biết chính phủ sẵn sàng đối thoại với người biểu tình phản đối và kêu gọi người biểu tình đối thoại với chính phủ.
Nếu đơn thuần hiện tại chỉ là chuyện người biểu tình phản đối đưa ra yêu sách gì cũng đều được tổng thống đáp ứng thì cuộc khủng hoảng chính trị xã hội hiện tại của nước Pháp có thể dễ dàng được giải quyết. Nhưng người biểu tình còn đòi ông Macron phải từ chức nên những nhượng bộ nói trên của ông Macron không thể được họ coi là đủ. Cũng vì thế mà nước Pháp sẽ vẫn còn đắm chìm trong khủng hoảng thêm thời gian nữa. Xem ra, những người biểu tình phản đối không chỉ không chấp nhận những biện pháp chính sách cầm quyền của ông Macron mà còn không thật sự tin rằng vị tổng thống trẻ tuổi kia thật sự quan tâm, để ý đến những âu lo thường nhật của họ và có đủ khả năng chèo lái, dẫn dắt nước Pháp giải quyết được mọi vấn đề đang đặt ra cho đất nước về kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại.
Không phải vô cớ mà mức độ tín nhiệm của ông Macron hiện thấp hơn tất cả những người tiền nhiệm sau cùng khoảng thời gian cầm quyền. Cũng không phải vì ngẫu hứng nào đấy của lịch sử mà làn sóng biểu tình phản đối kia bùng phát và lan toả nhanh chóng vào thời điểm hiện tại. Lý do chính ở chỗ ông Macron trong 19 tháng cầm quyền đến nay đã làm cho dân chúng thất vọng nhiều hơn là phấn khởi, bất bình nhiều hơn là đồng tình. Dường như người này quan tâm đến việc gây dựng lại vai trò và ảnh hưởng thế giới cho nước Pháp nhiều hơn là đến việc giải quyết những vấn đề chính trị xã hội bức xúc dai dẳng lâu nay ở nước Pháp như công bằng xã hội, cải thiện đời sống cho diện người có thu nhập thấp và trung bình, hiện đại hoá và tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, công ăn việc làm và người nước ngoài... Khi chuyện bung bét thành làn sóng biểu tình phản đối đi cùng với những hành động bạo lực thái quá, ông Macron phải ứng phó rất chậm, như thể coi thường hoặc bất chấp. Nhìn vào hiện trạng nước Pháp giờ cũng còn thấy được bức tranh chung về tình hình chính trị xã hội ở nhiều quốc gia châu Âu khác. Khác biệt chỉ là về mức độ trầm trọng của khủng hoảng mà thôi./.