Với khoảng 627.000 quan chức, đảng viên bị xử lý kỷ luật trong năm 2021, đây là con số lớn nhất mà Trung Quốc đạt được trong một năm kể từ khi Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012 và phát động cuộc chiến chống tham nhũng toàn diện ở nước này.
Tham nhũng thân hữu - câu chuyện không mới ở Trung Quốc
Tham nhũng liên quan đến người thân quan chức không phải là chuyện mới ở Trung Quốc. Câu chuyện “một người làm quan, cả nhà hưởng lợi”, “một người ngã ngựa, cả nhà lộ theo”, dường như năm nào cũng có.
Riêng trong năm 2022, đã có ít nhất 3 trường hợp quan tham bị phanh phui đều có liên quan đến người nhà - ở Trung Quốc hiện tượng này được gọi là “tham nhũng gia tộc”. Vụ mới nhất vừa công bố hôm 17/6. Đó là trường hợp của cựu Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Ngân hàng Phát triển Trung Quốc chi nhánh Hải Nam Lưu Xuân Sinh, người đã nghỉ hưu 9 năm và vừa bị khai trừ khỏi Đảng vì vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng. Một trong những vi phạm của quan chức này được liệt kê là “gia phong bại hoại, không quản lý giáo dục được vợ con”, biến ngân hàng thành công cụ trục lợi, “trước khi nghỉ hưu điên cuồng vơ vét của cải”, huy động cả nhà tạo thành “tham nhũng gia tộc”.
Trước đó, hai quan chức khác thuộc hàng “hổ lớn” ở tỉnh Chiết Giang và Giang Tây cũng lần lượt bị xử lý vì tham nhũng liên quan đến gia đình hồi tháng 1 và tháng 5/2022. Trong năm 2021, cũng có tới hơn 70 cán bộ lãnh đạo của Trung Quốc bị điều tra xử lý do liên quan đến vấn đề “gia phong”, trong đó có tới 15 người là cán bộ lãnh đạo do Trung ương quản lý.
Trong cuộc chiến chống tham nhũng của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn đặt vấn đề “gia phong” ở vị trí quan trọng và thường xuyên đề cập, bởi họ cho rằng “gia phong của cán bộ lãnh đạo không phải chuyện nhỏ chuyện riêng, mà là biểu hiện quan trọng của tác phong cán bộ lãnh đạo”.
Trên cơ sở đó, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực thi sách lược “quản lý song hành”, tức vừa kiểm soát quyền lực của đảng viên và cán bộ lãnh đạo, buộc họ phải liêm chính, tự giác; mặt khác kiểm soát vợ/chồng, con cái và vợ/chồng của con cái họ, nhằm ngăn chặn người thân núp bóng cán bộ lãnh đạo trục lợi bất chính, buộc cán bộ lãnh đạo phải giữ nghiêm gia phong, quản lý chặt chẽ đối với những người xung quanh mình.
Cuộc chiến này giờ đã được đẩy mạnh trên mọi mặt trận, từ kinh tế, tài chính đến mua bán nông sản... Không dừng lại ở các quan chức, ngay trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thân nhân của các cán bộ, đảng viên đã chính thức trở thành đối tượng nhắm đến của cuộc chiến cam go, phức tạp này.
Quy chế mới hôm 19/6 về việc siết chặt quản lý các hoạt động kinh doanh của vợ chồng, con cái quan chức lãnh đạo đã nhận được sự quan tâm rộng rãi, nhưng có vẻ vẫn chưa thể đáp ứng được mong mỏi của người dân. Bởi nếu lật lại những vụ đại án liên quan đến các “đại Hổ” cấp quốc gia như Tô Vinh, Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch, Tôn Chính Tài của vài năm về trước, trong đó riêng 3 gia tộc Tô Vinh, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch đã có tới 32 người thân liên đới và cả những vụ án gần đây, người ta không khỏi lo lắng vì vấn đề “tham nhũng gia tộc” giờ không chỉ dừng lại ở vợ/chồng, con cái quan chức, với các hình thức như “quân cha con”, “kíp vợ chồng”, “bang anh em” hay “tổng động viên toàn gia”, mà còn có cả họ hàng, thậm chí bạn gái sống chung chưa đăng ký hay cháu chắt của các quan chức cấp cao.
Có người nói vui rằng các quy định đưa ra phải không cho người thân 9 đời của cán bộ lãnh đạo được phép kinh doanh, điều hành doanh nghiệp thì may ra mới có thể thuyết phục được người dân. Tất nhiên, điều này là quá hà khắc và phi thực tế, nhưng thực sự rất khó có thể giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, cũng như cắt đứt được chuỗi lợi ích được hình thành bởi huyết thống và hôn nhân, hay phá tan được “cộng đồng tham nhũng kiểu gia tộc”, nếu chỉ dựa vào một văn bản quy định.
Quy chế mới - quan chức cấp càng cao quy định càng khắt khe
Đã từ lâu, Trung Quốc khuyến khích những người làm kinh tế tư nhân vào đảng, nhưng lại cấm các quan chức làm việc trong các cơ quan đảng và chính quyền kinh doanh, điều hành doanh nghiệp.
Thời gian qua, ở Trung Quốc đã xảy ra nhiều vụ tham nhũng liên quan đến các quan chức đăng ký việc kinh doanh và tài sản đứng tên người thân - một chiêu thức giúp họ vẫn tuân thủ điều lệ đảng trong khi vẫn có thể lợi dụng chức vụ để tích lũy tài sản.
Sự ra đời của quy chế mới cho thấy việc quản lý và kiểm soát những người thân bên cạnh quan chức là một việc làm hết sức khó khăn, gian nan, do vậy giờ đây đã trở thành “mặt trận đấu tranh” quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo phân tích của truyền thông Trung Quốc, so với các quy định tầm quốc gia trước đây, quy chế mới ban hành đã mở rộng đối tượng chịu sự kiểm soát và giám sát. Nếu như trước đây đối tượng chịu sự kiểm soát chỉ là vợ/chồng, con cái quan chức, thì nay vợ/chồng của con cán bộ lãnh đạo, tức con dâu, con rể cũng bị đưa vào đối tượng giám sát.
Bên cạnh đó, đầu tư quỹ tư nhân đã lần đầu tiên được đưa vào danh mục các hoạt động kinh doanh chịu sự quản lý. Các quỹ tư nhân chủ yếu bao gồm quỹ đầu tư chứng khoán tư nhân, quỹ đầu tư cổ phần tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm... Theo chuyên gia Trung Quốc, kinh nghiệm những năm qua cho thấy, trong số nhiều vụ án tham nhũng ở nước này trong lĩnh vực tài chính, có một số vụ liên quan đến người thân của cán bộ lãnh đạo. Họ lợi dụng “vầng hào quang quyền lực” của quan chức để tư lợi hoặc tham nhũng với số tiền lớn. Do vậy, việc đưa thêm lĩnh vực đầu tư quỹ vào quy định mới được đánh giá là cần thiết.
Quy định cũng đưa ra các yêu cầu cụ thể về ngành nghề, lĩnh vực cấm kinh doanh đối với vợ/chồng, con cái và vợ chồng của con cán bộ lãnh đạo ở từng cấp, từng ngạch khác nhau. Cán bộ lãnh đạo cấp càng cao yêu cầu càng khắt khe, bộ phận mang tính tổng hợp cũng nghiêm hơn các bộ phận khác.
Các yêu cầu về báo cáo cũng được cho là chặt chẽ hơn. Bên cạnh báo cáo thường niên, nếu sau đó có các biến động về hoạt động kinh doanh của người thân, quan chức phải báo cáo kịp thời. Báo cáo hàng năm phải được tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên và trọng điểm. Những người báo cáo không trung thực hay lợi dụng chức vụ để mưu lợi cho người thân hoặc tìm cách lách luật sẽ bị “xử lý nghiêm theo quy định và pháp luật”.
Những điều này cho thấy, Trung Quốc đang ngày càng siết chặt vòng kiểm tỏa đối với quyền lực của quan chức lãnh đạo và phạm vi kinh doanh của người nhà họ, nhằm hướng tới mục tiêu chống tham nhũng từ mỗi thành viên trong gia đình cán bộ.
Trung Quốc với quyết tâm “cắt bỏ mọi khối u” tham nhũng
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra các quy định nhằm vào các hoạt động kinh doanh của người thân quan chức. Ngay từ năm 1985, một văn bản mang tên “Quyết định về việc cấm con cái, vợ/chồng cán bộ lãnh đạo kinh doanh” đã được ban hành. Sau đó, hàng loạt các quy định liên quan cũng được đưa ra.
Trước tiên là quy định thí điểm đối với các bộ chủ chốt cấp tỉnh và địa khu (cao hơn huyện, nhưng dưới tỉnh) và mở rộng từ kinh doanh sang cả mở doanh nghiệp vào năm 2001, sau đó là thí điểm ở Thượng Hải vào tháng 5/2015 và đối tượng được mở rộng sang cả vợ chồng của con quan chức. Đây được đánh giá là quy định nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay liên quan đến hạn chế các hoạt động kinh doanh của người thân quan chức lãnh đạo ở Thượng Hải.
Gần một năm sau, vào tháng 4/2016, chương trình thí điểm được mở rộng ra 4 khu vực khác gồm Quảng Đông, Tân Cương, Bắc Kinh và Trùng Khánh.
Sau nhiều năm thí điểm ở các địa phương, Hội nghị toàn thể lần thứ 5 Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa 19 của Trung Quốc tổ chức hồi đầu năm 2021 đã ra thông cáo, yêu cầu đôn đốc thực hiện các quy định về việc quy phạm hoạt động kinh doanh, điều hành doanh nghiệp của vợ/chồng, con cái và vợ chồng của con cán bộ lãnh đạo. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau Đại hội 19, thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đề cập đến nội dung này và cũng là lần đầu tiên đề cập đến việc quản lý chặt chẽ con cái và các thành viên trong gia đình quan chức.
Quy chế mới hôm 19/6 là bước đi tiếp theo nhằm thống nhất các quy định áp dụng trong cả nước sau hàng loạt thí điểm tại các địa phương nhiều năm qua.
Quy chế được ban hành chỉ hai ngày sau một buổi học tập về chống tham nhũng của Bộ Chính trị, nơi mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định chống tham nhũng là “cuộc đấu tranh chính trị lớn không thể để thua và quyết không được thua” của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông mô tả đây là “cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp, khó khăn, không có chỗ cho sự nhượng bộ và thỏa hiệp”, đồng thời yêu cầu các quan chức nước này can đảm đối mặt trực diện với các vấn đề và kiên định “hướng lưỡi dao vào trong”, kiên quyết “cắt bỏ mọi khối u” và loại bỏ mọi chất độc hại./.
Theo VOV.VN