Sau năm 2015, nước Đức lần thứ 2 tổ chức cuộc gặp cấp cao của nhóm G7 và cũng lần thứ hai ở lâu đài Elmau tại bang Bavaria. Báo chí Đức đưa tin là chính phủ Đức phải chi khoảng 170 triệu euro cho việc tổ chức sự kiện lớn này của G7. Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lần đầu tiên tham dự cuộc gặp cấp cao của nhóm. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu được mời tham dự. Ngoài ra, nước Đức chủ nhà còn mời thêm Ấn Độ, Nam Phi, Somalia, Indonesia và Argentina tham dự với tư cách là khách mời. Cuộc gặp diễn ra trong khoảng thời gian dài hơn thông lệ hai ngày.
Tổ chức sự kiện này là cơ hội lớn đối với Thủ tướng Đức Olaf Scholz để gây dựng vai trò và uy tín chính trị thế giới. Ông Scholz trở thành Thủ tướng Đức hồi đầu tháng 12 năm ngoái. Ngay sau sự kiện này của G7 là cuộc gặp cấp cao thường niên của NATO diễn ra ở Madrid (Tây Ban Nha). Trừ Nhật Bản, tất cả các thành viên còn lại của nhóm G7 - Mỹ, Đức, Canada, Anh, Pháp và Italy - đều là thành viên NATO. G7 và NATO vốn năm nào cũng tiến hành gặp cấp cao. Nhưng sự kiện năm nay lại có tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với tương lai của G7 và NATO bởi cả hai đều đang bị thách thức mà nếu không vượt qua được thì cả hai không còn có thể nắm giữ được vai trò đáng kể gì nữa trong thế giới hiện đại. Thế giới đứng trước rất nhiều vấn đề nan giải đòi hỏi phải được giải quyết cấp bách như về tăng trưởng kinh tế, đối phó dịch bệnh, lạm phát, giá năng lượng tăng và thiếu lương thực, biến đổi khí hậu trái đất và khủng hoảng chính trị an ninh ở châu Âu. Cả Nga và Trung Quốc đều đã trở thành đối tượng đối phó và đối địch của G7 và NATO. G7 và NATO buộc phải tự khẳng định trong cuộc chơi "Ai thắng ai" với Nga và Trung Quốc.
Trên chương trình nghị sự của cuộc gặp cấp cao của G7 hiện diện tất cả những chủ đề nội dung ấy. Tất cả các thành viên của G7 đều chủ ý khoe trương sự đoàn kết nhất trí, thống nhất quan điểm và phối hợp hành động. Tuyên bố chung của cuộc gặp toát lên điều đó. Nhưng nếu đi vào cụ thể hơn từng điểm nội dung trong bản tuyên bố chung ấy thì sẽ lại thấy sự đồng thuận quan điểm và đoàn kết nhất trí trong nội bộ G7 không mạnh mẽ và bền chặt. Rất nhiều dự định của G7 được thể hiện trong tuyên bố chung không cụ thể và chắc chắn mà dường như vẫn còn ở trong hình hài của khuyến nghị và ý tưởng. Nếu rồi đây chúng không được triển khai tiếp hoặc G7 không biết phải triển khai tiếp như thế nào thì sau cuộc gặp cấp cao vẫn chẳng khác gì trước cuộc gặp. Có thể kể ra ở đây những ví dụ cụ thể là chủ định cấm vận Nga xuất khẩu vàng hay áp đặt giá trần cho dầu lửa của Nga khi xuất khẩu. G7 cam kết hậu thuẫn Ukraine chiến tranh với Nga "dài lâu như cần thiết" để Nga không thể thắng được ở Ukraine, nghe thì rất mạnh mẽ nhưng cũng vẫn chỉ là chơi trò chính trị tâm lý nhằm răn đe Nga và trấn an Ukraine. G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trái đất nhưng lại không khẳng định cam kết thực hiện các mục tiêu cụ thể đề ra tại các hội nghị của LHQ về chống biến đổi khí hậu trái đất. Việc G7 thông qua sáng kiến của ông Scholz về thành lập nhóm các nước trên thế giới cùng chung mục tiêu chống biến đổi khí hậu trái đất thông qua tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng mới có ý nghĩa tích cực, nhưng cũng chỉ vớt vát được phần nào. Cũng tại cuộc gặp cấp cao này, G7 cam kết dành 4,5 tỷ USD cho công cuộc đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới và đưa ra chương trình đầu tư 600 tỷ USD nhằm phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước trên thế giới nhằm cạnh tranh với chương trình Một vành đai, một con đường của Trung Quốc. Nhưng G7 cũng dừng lại ở những tuyên cáo chung chung này.
G7 không giấu giếm tham vọng dẫn dắt thế giới trong việc giải quyết những vấn đề đang đặt ra. Nhưng nếu cứ tiếp tục đánh trống bỏ dùi như lâu nay thì G7 sẽ phải tiếp tục đuổi theo tham vọng ấy./.
Hoàng Lan