Ukraine và phương Tây bất đồng trong chiến lược với Nga

Mỹ và các đồng minh tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid thừa nhận họ không thể đáp ứng yêu cầu cung cấp vũ khí khẩn cấp theo khung thời gian mà Kiev đưa ra.

 

Ukraine muốn thắng ngay, phương Tây vẫn tiếp tục chờ đợi

Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu đã gặp nhau tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha để thể hiện sự ủng hộ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Tuy nhiên, đằng sau những tuyên bố đoàn kết là sự chia rẽ giữa các nước phương Tây về những bước đi tiếp theo trong cuộc xung đột này.

Bất chấp sự mở rộng sắp tới của NATO và những cam kết sẽ tiếp tục cung cấp số lượng lớn vũ khí cho Ukraine, sự bất đồng giữa các nước phương Tây ngày càng lớn về việc cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài bao lâu và mức độ các chính phủ phương Tây sẵn sàng hỗ trợ Ukraine giành chiến thắng.

Các nhà lãnh đạo Ukraine đang hối thúc phương Tây cung cấp nhiều vũ khí hơn do lo ngại nếu không tiến hành một chiến dịch lớn, Nga sẽ tận dụng những tháng mùa đông để củng cố các khu vực mà lực lượng này kiểm soát ở Donbass.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phương Tây dường như đã sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài khi cho rằng việc tăng cường cung cấp đạn dược và chương trình huấn luyện cho Ukraine sẽ kéo dài ít nhất là tới năm sau.

Trước đó, trả lời phỏng vấn tờ Bild của Đức, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói, NATO phải chuẩn bị cho tình huống cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ kéo dài nhiều năm.

Một nhà ngoại giao phương Tây nhận định với báo giới trước Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid rằng: "Chúng ta cần suy nghĩ dài hạn, vượt ngoài những gì diễn ra trước mắt chúng ta hiện nay. Chúng ta phải suy nghĩ nhiều cho giai đoạn năm tới và ngoài năm tới cũng như những gì Ukraine cần để giành lại thế chủ động" vào mùa xuân năm sau.

"Ukraine càng sớm đảo chiều cuộc chiến trước Nga càng tốt", nhà ngoại giao này nhận định nhưng không đưa ra các mốc thời gian rõ ràng.

"Liệu điều đó có diễn ra trước mùa đông hay không, chúng tôi không thể dự đoán nhưng hiện chúng tôi đang tìm cách cung cấp cho họ vũ khí họ để nối lại các chiến dịch tấn công khi thời tiết ấm lên".

Binh lính Ukraine ở khu vực Donbass. Ảnh: ReutersĐó cũng chính xác là những gì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đánh giá ngày 27/6. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo G7, Tổng thống Zelensky cho biết ông cần thêm sự hỗ trợ quân sự để đẩy lùi quân đội Nga trước mùa đông này.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan dường như tán thành với thông điệp đó khi nhận định với báo giới trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Bavaria, Đức rằng Tổng thống Zelensky "đang tập trung chủ yếu vào việc cố gắng đảm bảo Ukraine sẽ có lợi thế trên chiến trường nhiều nhất có thể trong tháng tới chứ không phải trong năm tới bởi ông ấy tin rằng một cuộc chiến kéo dài không nằm trong lợi ích của người dân Ukraine".

Chiến lược của Tổng thống Zelensky tập trung vào việc hối thúc phương Tây tăng cường nhịp độ hỗ trợ cho Ukraine cả về mặt tài chính và quân sự chứ không phải để "mọi thứ kéo dài không xác định".

Tuy nhiên, Mỹ và các nhà lãnh đạo phương Tây tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid đã thừa nhận rằng họ không thể đáp ứng những yêu cầu cấp bách theo khung thời gian của Kiev. Phương Tây cũng thừa nhận mặc dù Nga đối mặt với tổn thất lớn về lực lượng và trang thiết bị trong 4 tháng chiến tranh nhưng các lực lượng của Ukraine cũng chịu thương vong nặng nề. Điều đó khiến cả 2 bên đều gặp nhiều khó khăn trong việc tiến hành bất kỳ chiến dịch lớn nào cũng như đạt được thành quả trên thực địa.

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ diễn biến thế nào?

Nga đã giành được thị trấn chiến lược Severodonetsk ở phía Đông Ukraine sau nhiều tuần giao tranh dữ dội. Trong khi đó, lực lượng Ukraine rút quân dọc sông Donets tới thành phố Lysychansk - nơi có địa hình cao hơn.

"Cuộc chiến này có thể tiếp tục một thời gian dài. Chúng ta phải duy trì sự ủng hộ cho Ukraine bởi nếu không nhận được sự hỗ trợ này, họ sẽ rơi vào tình thế rất nan giải. Việc hỗ trợ Ukraine thành công là mối quan tâm của tất cả chúng ta bởi sẽ có nguy cơ lớn Nga tấn công các quốc gia khác ở châu Âu", Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hulqvist nhận định với Politico.

Nhịp độ hỗ trợ cho Ukraine hiện đang chậm dần được các nhà lãnh đạo châu Âu lý giải rằng do sự hạn chế của kho vũ khí. Ngoài ra, NATO và các nước đối tác vẫn chưa xác định rõ ràng kết cục cuộc chiến ở Ukraine sẽ diễn ra như thế nào. Các quan chức Ukraine từ chối lập trường nhượng bộ Nga về lãnh thổ, bao gồm cả Crimea - bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014. Tuy nhiên, lập trường của các nhà lãnh đạo phương Tây không đi xa đến vậy mà chỉ dừng lại ở những nhận định chung chung rằng cần đánh bại và ngăn chặn Nga.

Một số quốc gia như Pháp và Đức ủng hộ giải pháp đàm phán hòa bình - một ý tưởng mà cả Nga và Ukraine đều từ chối bởi mỗi bên đều muốn đạt được lợi thế cho mình trên chiến trường trước khi ngồi vào bàn đàm phán.

Các quốc gia phương Tây khác thì có tầm nhìn xa hơn khi các lực lượng của Nga củng cố kiểm soát các khu vực ở phía Đông và phía Nam Ukraine. Các nhà phân tích nhận định, quân đội Nga sẽ gặp khó khăn để duy trì ưu thế trên không và tiến hành các chiến dịch tấn công nhằm vào các vị trí được tăng cường xe bọc thép và pháo hạng nặng.

Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bang Virginia Gerry Connolly, người từng là Chủ tịch Hội đồng Nghị viện NATO cho rằng nếu phương Tây có thể cung cấp các hệ thống vũ khí hiện đại kết hợp với huấn luyện cho quân đội Ukraine để đẩy lùi Nga, về dài hạn, Ukraine sẽ chiếm ưu thế.

"Tôi cho rằng còn quá sớm để dự đoán điều đó sẽ xảy ra trong những tháng tới hay những năm tới".

Chính phủ Ukraine vẫn từ chối ý tưởng chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga hay thậm chí là bắt đầu đàm phán.

Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko cáo buộc, nếu làm như vậy, Nga sẽ tiến hành tấn công vào các nước Đông Âu khác và cuối cùng dẫn tới "chiến tranh thế giới tiếp theo".

"Hãy ngăn chặn điều đó ở Ukraine. Chúng tôi không thể thực hiện những thỏa thuận vô nghĩa", ông Klitschko nhận định với báo giới tại Thượng đỉnh NATO./.

Kiều Anh/VOV.VN
Tổng hợp

 

Bình luận

    Chưa có bình luận