Hơn bốn tháng sau khi bùng phát, chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine không những chỉ biến Ukraine thành điểm nóng thời sự nhất trên thế giới về chính trị an ninh mà còn làm thay đổi cơ bản châu Âu và thế giới về chính trị an ninh.
Mức độ giao tranh vũ trang ở Ukraine cho thấy Ukraine là chiến địa của cách thức tiến hành chiến tranh hiện đại và thử nghiệm trong thực tiễn chiến tranh các loại vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại. Nhưng cả ở bên ngoài Ukraine cũng đã trở thành chiến trường của nhiều cuộc chiến tranh trên các phương diện khác giữa các đối tác hậu thuẫn Ukraine và Nga. Ở bên trong cũng như bên ngoài Ukraine, tình hình diễn biến tiếp tục rất sôi động và đầy bất ngờ.
Liên quan trực tiếp đến diễn biến chiến sự ở Ukraine có thể rút ra được hai điều sau hơn bốn tháng bom rơi đạn nổ. Thứ nhất, phía Nga đã nhiều lần điều chỉnh mục tiêu cụ thể và thay đổi chiến lược quân sự. Phía phương Tây thường thiên về nhìn nhận đấy là thất bại chiến lược của Nga ở Ukraine, tư duy theo hướng vì không đạt được mục tiêu đề ra nên Nga phải thường xuyên điều chỉnh mục tiêu chiến lược. Nhưng nếu suy xét từ giác độ Nga đã đạt được những gì ở Ukraine và cái đạt được ấy tăng lên hay bị giảm đi thì sẽ lại thấy Nga đang hướng tới chiến lược thích hợp nhất đối với Nga ở Ukraine.
Ba tác nhân luôn chi phối trực tiếp mọi bước đi quân sự của Nga ở Ukraine là thực lực của Nga về mọi phương diện, khả năng kháng cự của Ukraine trên mọi phương diện và các biện pháp chính sách của phương Tây hậu thuẫn Ukraine và đối phó Nga. Việc Nga kiểm soát được hoàn toàn vùng lãnh thổ Luhansk là dấu mốc có ý nghĩa rất đặc biệt trong chiến sự hiện tại ở Ukraine. Xem ra, chiến lược của Nga là tập trung kiểm soát vùng phía đông này trước, bao gồm vùng lãnh thổ Luhansk và Donezk, rồi sau đó sẽ có chiến lược mới. Cho nên sau Luhansk, vùng Donezk sẽ là nơi giao tranh trực tiếp mới giữa Nga và Ukraine. Từ đó cũng còn có thể thấy chuyện giao tranh vũ trang này chưa biết đến khi nào mới đi vào hồi kết và đàm phán hoà bình giữa Nga và Ukraine vẫn còn rất xa vời.
Tất cả những diễn biến ở bên ngoài Ukraine trong thời gian vừa qua đều tác động làm cho chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine trở nên thêm quyết liệt và thêm dai dẳng chứ không phải ngược lại. Tại 3 cuộc gặp cấp cao vừa rồi, EU cũng như nhóm G7 và NATO đều có những quyết sách trên thực tế chẳng khác gì vừa khích lệ và trợ giúp Ukraine đối chọi Nga đến cùng và đẩy Nga vào chân tường. NATO đã ký kết với Thuỵ Điển và Phần Lan các văn kiện cần thiết để kết nạp hai nước Bắc Âu này vào liên minh quân sự. Nga coi đấy là hành động vừa khiêu khích Nga lại vừa đe doạ trực tiếp an ninh của Nga. Thuỵ Sỹ và Ukraine đã tiến hành hội nghị tài trợ đầu tiên cho Ukraine tái thiết sau chiến tranh. Cả việc này cũng tác động như các quyết sách mới đây nói trên của EU, G7 và NATO. Phương Tây chủ ý biểu lộ sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ về ủng hộ Ukraine và đối phó Nga. Nhưng trên thực tế, họ khích lệ Ukraine chấp nhận trả giá đắt nhất để đạt được mục đích của họ trong mối quan hệ giữa họ với Nga.
Một diễn biến khác ở bên ngoài Ukraine rất đáng được chú ý là việc NATO - thông qua hai thành viên là Lithuania và Na uy - trực tiếp gây khó dễ cho Nga để làm phép thử về giới hạn phản ứng của Nga trong xung khắc trực tiếp với NATO, mở thêm chiến tuyến đối địch mới buộc Nga phải đối phó.
Cục diện và diễn biến tình hình như thế ở bên trong cũng như bên ngoài Ukraine báo hiệu là cuộc khủng hoảng chính trị an ninh hiện tại ở châu Âu sẽ còn kéo dài và quyết liệt hơn, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây sẽ còn căng thẳng và thù địch thêm nữa trong thời gian tới./.
Hoàng Lan