Mỹ sắp xếp lại quan hệ với vùng Vịnh

Kết quả ông Biden thu về được với chuyến công du không được như người này kỳ vọng.

 

Trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực Trung Đông và vùng Vịnh sau gần một năm rưỡi cầm quyền, tổng thống Mỹ Joe Biden tới Israel, lãnh thổ của người Palestine ở khu vực bờ tây sông Jordan và Ả-rập Xê-út. Ông Biden gặp thủ tướng Israel, lãnh đạo chính quyền tự trị Palestine, đại diện cho hoàng gia Ả-rập Xê-út và tham dự cuộc gặp với lãnh đạo của 6 nước thành viên tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, Ai Cập, Iraq và Jordani. Tất cả những nước này đều thuộc diện các đồng minh quân sự truyền thống và đối tác chiến lược quan trọng nhất xưa nay của Mỹ ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh. Thời người tiền nhiệm trực tiếp của ông Biden cầm quyền ở nước Mỹ, khu vực này chiếm ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Ông Biden không tiếp tục định hướng chính sách ấy mà tập trung hàng đầu cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đối phó Trung Quốc. Vì thế, ông Biden không sớm tới thăm Israel, rút binh lính Mỹ ra khỏi Iraq, đàm phán với Iran và các bên liên quan khác để khôi phục hoàn toàn hiệu lực của thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) và băng giá quan hệ với hoàng gia ở Ả-rập Xê-út với những phê trách rất nặng lời cho rằng hoàng gia Ả-rập Xê-út liên quan trực tiếp tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khoshaggi hồi năm 2018, vi phạm nghiêm trọng những chuẩn mực giá trị về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền được ông Biden luôn đề cao. Ông Biden thực hiện chuyến công du này bởi nhận thức rằng phải điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với khu vực, đặc biệt đối với Israel và Ả-rập Xê-út.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) tới Israel và Thủ tướng Israel Yair Lapid tại lễ đón ở sân bay Ben Gurion, Israel, ngày 13/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ở nước Mỹ sắp có cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ. Nguy cơ thất bại càng thực tế đối với phe cánh Đảng Dân chủ Mỹ của ông Biden trong cuộc bầu cử này thì nhân tố Israel lại càng thêm quan trọng. Vì thế, ông Biden phải đến Israel, trấn an đồng minh, thể hiện quan hệ đồng minh quân sự tin cậy giữa Mỹ và Israel. Iran vẫn là đối thủ rất khó đối phó đối với Mỹ trong khu vực. Cho dù có khôi phục được hay không được hiệu lực hoàn toàn của JCPOA thì Mỹ vẫn cần liên minh các đồng minh trong khu vực cùng đối phó chứ không thể một mình đối phó Iran. Chỉ có liên minh giữa Mỹ và Israel không thôi thì chưa thể đủ. Ả-rập Xê-út đóng vai trò then chốt đối với triển vọng thành công của Mỹ trong chuyện tập hợp lực lượng này. Hơn nữa, nếu muốn giúp Israel mở rộng quan hệ ngoại giao chính thức với các nước Ả rập thì Mỹ càng cần phải tranh thủ Ả-rập Xê-út. Cho nên ông Biden phải chấp nhận bị dư luận phê phán là "đạo đức giả" về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền liên quan đến Ả-rập Xê-út để chủ động hòa giải với Ả-rập Xê-út.

Ông Biden còn cần Ả-rập Xê-út gia tăng khối lượng dầu mỏ khai thác và xuất khẩu hàng ngày để giảm giá dầu mỏ trên thị trường và giúp Mỹ khắc phục tình trạng khan hiếm dầu mỏ và tăng lạm phát. Mục tiêu ông Biden theo đuổi còn là thuyết phục các đồng minh và đối tác trong khu vực cùng hội cùng thuyền với Mỹ đối phó Nga và Trung Quốc ở chính khu vực này và ở Ukraine.

Biến động mới trên thế giới và lợi ích đối nội cũng như đối ngoại mới buộc ông Biden phải thực tế mà sắp xếp lại quan hệ của Mỹ với các bên trong khu vực này. Kết quả ông Biden thu về được với chuyến công du không được như người này kỳ vọng. Ông Biden trấn an được các đồng minh khi cam kết đảm bảo an ninh cho các đồng minh và không để xuất hiện "khoảng trống an ninh" để cho Nga, Trung Quốc hay Iran lấp đầy. Ông Biden mở được đường hàng không trực tiếp giữa Israel và Ả-rập Xê-út. Ả-rập Xê-út đồng ý tăng khối lượng dầu mỏ khai thác và xuất khẩu hàng ngày thêm 1 triệu thùng (159 lít). Chỉ được có thế. Không liên minh hay liên quân đối phó Iran và cùng trừng phạt Nga hoặc đối phó Trung Quốc. Xem ra, uy quyền và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này đã giảm đi đáng kể./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận