Cuộc chiến khí đốt giữa Nga và EU bước sang giai đoạn mới với việc Nga tiếp tục giảm mức độ cung ứng khí đốt cho EU qua tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và với việc EU không còn chỉ có quan ngại mà phải tính ngay đến việc không còn được Nga cung ứng khí đốt nữa trong thời gian tới. Một kế hoạch tiết kiệm tiêu dùng khí đốt trong khắp EU đã được EU thông qua nhằm đối phó những bước đi tiếp theo của Nga và tích trữ khí đốt cho tiêu dùng trong mùa đông tới.
Với lý do bảo trì hệ thống, Nga đã giảm mức độ cung ứng khí đốt qua tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 xuống còn bằng 40% công suất thông thường xưa nay. Nhiều nước thành viên EU cáo buộc Nga vũ khí hoá và chính trị hoá việc cung ứng khí đốt theo hợp đồng đã ký kết cho EU để đối phó những biện pháp chính sách của EU trừng phạt Nga liên quan đến chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Bây giờ, Nga giảm mức độ cung ứng này xuống còn 20%.
EU vốn đã có chủ trương và kế hoạch tiến tới ngừng hoàn toàn nhập khẩu năng lượng - bao gồm khí đốt, dầu mỏ và than đá - của Nga. Nhưng việc chấm dứt sự lệ thuộc này vào Nga là chuyện không phải của ngày một ngày hai mà là chuyện của nhiều tháng và nhiều năm trong tương lai sắp tới. Trong tình cảnh khó khăn là bế tắc giải pháp cho vấn đề cấp thiết là bị Nga ngừng cung ứng khí đốt hoàn toàn ngay lập tức, EU hiện mới chỉ có được giải pháp tình thế nhất thời là thực hành tiết kiệm tiêu dùng khí đốt.
So với dự thảo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, những gì được EU vừa thông qua theo định hướng trong khuyến nghị nhưng khác biệt về mức độ. Sự khác biệt này phản ánh tình trạng bất đồng quan điểm rất sâu sắc giữa các thành viên EU. Ủy ban châu Âu khuyến nghị EU áp đặt bắt buộc tất cả các thành viên EU phải tiết kiệm tiêu dùng khí đốt ít nhất 15% so với mức độ tiêu dùng trung bình của 5 năm trước đấy cho thời gian từ 1/8 tới đến ngày 31/3 năm sau. Tuy nhiên, do không nhận được sự đồng thuận cần thiết nên EU chỉ thông qua được đối sách này với những sửa đổi nội dung rất cơ bản. Việc tiết kiệm tiêu dùng khí đốt không bắt buộc đối với các thành viên mà chỉ trên cơ sở tự nguyện trừ khi có ít nhất 5 thành viên EU hoặc EU ban bố tình trạng báo động mà việc ban bố tình trạng này và xác định mức độ tiết kiệm tiêu dùng khí đốt không thuộc thẩm quyền của Ủy ban châu Âu. Hội đồng những vị lãnh đạo các nước thành viên EU sẽ quyết định. Ngoài ra còn có nhiều ngoại lệ khác. Những thành viên EU không kết nối với mạng lưới cung ứng khí đốt chung của EU như Sip hay Malta hoặc Ireland không bị chế tài bởi đối sách mới này của EU.
Phía Nga nhận thức được rằng EU và đồng minh sớm muộn thì rồi cũng sẽ ngừng hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga nên xem ra đang theo đuổi chiến lược là vừa giảm dần - chưa giảm hết - cung ứng khí đốt cho EU để vẫn có được nguồn thu từ xuất khẩu khí đốt nhưng vẫn có được hiệu ứng cao nhất về tâm lý từ cuộc chiến khí đốt với EU. Hiệu ứng này càng cao vào thời điểm hiện tại thì nội bộ EU bị phân rẽ càng thêm sâu sắc và mức độ sẵn sàng chấp nhận bị tổn hại lợi ích riêng để hậu thuẫn Ukraine đối địch Nga sẽ càng suy giảm. EU càng tiến gần tới thời điểm không còn lệ thuộc vào Nga nữa về cung ứng khí đốt thì cuộc chiến khí đốt này đâu còn có ý nghĩa gì nữa đối với Nga.
Phần thắng cuối cùng trong cuộc chiến khí đốt này giữa EU và Nga rồi sẽ thuộc về bên nào có khả năng chịu đựng và khắc phục tốt hơn chính cái phản tác dụng của chiến lược của họ. Đối với Nga, đấy là thiếu hụt về nguồn thu từ xuất khẩu khí đốt sang EU. Đối với EU, đấy là phản ứng của giới kinh tế và người dân bởi những bên này sẽ không trả lời như lãnh đạo EU câu hỏi vì sao cứ phải chịu thiệt dài dài vì Ukraine./.
Hoàng Lan