Nhân "Ngày Hải quân Nga" năm nay, tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức công bố chiến lược hải quân mới. Chiến lược mới này trong thực chất thời sự hóa chiến lược đã được ban hành hồi năm 2015 - chỉ một năm sau khi Nga tiếp nhận Crimea. Những chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc về mọi phương diện trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu, và ở nước Nga từ đó đến nay cũng như cuộc chiến hiện tại ở Ukraine giữa Nga và Ukraine với tất cả tác động chính cũng như phụ, hệ lụy cũng như hậu quả đa dạng của nó đã làm cho việc đưa ra chiến lược hải quân mới trở nên cần thiết và cấp thiết đối với Nga.
Trong văn kiện chiến lược dày 55 trang này, Nga xác định mối đe doạ an ninh lớn nhất và trực tiếp nhất đối với Nga là nỗ lực của Mỹ nhằm thống trị đại dương, biển cả trên thế giới và việc NATO tiến lại gần hơn vùng biển của Nga. Chiến lược mới này chứa đựng nhiều mục tiêu rất cao xa, nếu như không muốn nói là đầy tham vọng của Nga. Trong đó có không ít mục tiêu mà Nga cần không ít thời gian và phải bỏ ra rất nhiều tiền của mới có thể đạt được. Chẳng hạn như mục tiêu đóng nhiều tàu sân bay hay xây dựng một số công xưởng hải quân mới ở vùng bờ Thái Bình Dương.
Những mục tiêu trong đấy mà Nga có thể làm ngay được là trang bị loại tên lửa siêu thanh hiện đại nhất Zirkon cho các chiến hạm của Nga, thiết lập tuyến vận tải hàng hải nối vùng đất liền của Nga với vùng lãnh thổ cách biệt Kaliningrad và khai phá mở tuyến đường đi lại hàng hải thường xuyên qua Bắc Cực. Ở đây phản ánh chủ định của Nga ứng phó với hệ lụy tiêu cực của chiến sự hiện tại giữa Nga và Ukraine. Tăng cường tiềm lực hải quân có tác dụng cảnh báo và răn đe Mỹ, NATO và Ukraine trong cuộc chiến hiện tại ở Ukraine cũng như trong tương lai, đối phó hành động của NATO tiến gần tới biên giới Nga và giúp Nga bảo toàn được những gì Nga muốn đạt được với cuộc chiến hiện tại ở Ukraine.
Bao trùm lên tất cả những nội dung này là định hướng trở thành cường quốc biển và cường quốc hải quân trên thế giới. Khi xưa, Pie Đại đế là người đầu tiên đem lại cho nước Nga tầm vóc và vị thế cường quốc thế giới về biển và hải quân. Liên Xô trước đây cũng đã như thế. Chính cuộc chiến ở Ukraine hiện tại đã phơi bày những điểm yếu của hải quân Nga mà nếu không khắc phục ngay thì không thể trở thành cường quốc hải quân thế giới trong tương lai.
Với chiến lược mới này, Nga chính thức hoá mục tiêu chiến lược mới là khai phá Bắc Cực phục vụ cho phát triển kinh tế nhưng đồng thời phục vụ cả quân sự. Biến đổi khí hậu trái đất, thành tựu phát triển mới của khoa học, kỹ thuật và công nghệ cũng như nhu cầu ngày càng tăng về tìm kiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên mới và ganh đua ảnh hưởng với các đối tác khác trên thế giới đã giúp cho vùng Bắc Cực có được giá trị chiến lược mới không chỉ đối với Nga mà còn đối với nhiều đối tác khác nữa.
Tuy không đề cập cụ thể nhưng Nga còn có dụng ý trong chiến lược mới này liên quan đến khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những cường quốc biển với hải quân hùng mạnh đều có thể gây dựng được vai trò và ảnh hưởng to lớn, nếu như không muốn nói là rất quyết định đối với những gì đang và sẽ còn diễn ra ở khu vực này và liên quan đến tương lai của khu vực này.
Một chiến lược biển và chiến lược hải quân bài bản và tổng thể, có tham vọng cao xa và mục đích cụ thể rất cần thiết và quan trọng đối với Nga. Vấn đề chỉ ở chỗ Nga sẽ hiện thực hoá nó như thế nào, có triệt để và thành công hay không. Vào thời điểm được ban hành, chiến lược hải quân của Nga hồi năm 2015 bao gồm những định hướng rất chuẩn xác, nhưng rồi đâu có được thực hiện đầy đủ và thành công mỹ mãn./.
Hoàng Lan