Can dự vào khu vực xa

Chuyến công du tới khu vực Đông Á của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi được cả thế giới quan tâm.

 

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vừa có chuyến công du tới khu vực Đông Á. Trong trật tự hệ thống quyền lực ở nước Mỹ, Chủ tịch Hạ viện ở vị trí thứ 3 sau tổng thống và phó tổng thống. Tổng thống Mỹ Joe Biden và phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đều đã tới thăm khu vực này. Vừa rồi, bà Pelosi đến Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hoạt động đối ngoại này của bà Pelosi được cả thế giới quan tâm theo dõi còn nhiều hơn cả những chuyến đi tới khu vực của ông Biden và bà Harris bởi chặng dừng chân 19 giờ đồng hồ của bà Pelosi ở Đài Loan. Bà Pelosi là chủ tịch hạ viện thứ 2 của Mỹ, sau ông Newt Gingrich thuộc Đảng Cộng hoà hồi tháng 2/1997, tới Đài Loan. Cả hai đều là chức sắc cao cấp nhất của Mỹ từ trước đến nay công du Đài Loan. Trung Quốc phản đối việc bà Pelosi đến Đài Loan quyết liệt chưa từng thấy từ trước tới nay và phản ứng mạnh mẽ chưa từng thấy bằng hành động quân sự cụ thể.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đang có chuyến công du châu Á. (Ảnh: AP)

Bà Pelosi với việc tới Đài Loan làm cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thêm căng thẳng và trắc trở vào thời điểm mối quan hệ song phương này vốn đã trở nên tồi tệ nhất kể từ nhiều thập kỷ trở lại đây. Nhưng đối với quan hệ của Mỹ với Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản thì ngược lại. Người ngoài có thể nhận thấy phía Mỹ chủ ý phát đi thông điệp ra thế giới rằng Mỹ hiện đúng là phải dành ưu tiên chính sách hàng đầu cho việc đối địch Nga liên quan đến chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine nhưng không vì thế mà sao nhãng định hướng chiến lược trọng tâm đã đề ra và theo đuổi trên thực tế từ khá lâu nay là tăng cường can dự trực tiếp và cam kết ở khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bà Pelosi thuộc Đảng Dân chủ Mỹ như ông Biden và bà Harris, đại diện cho phía lập pháp ở Mỹ và đồng thuận quan điểm chính sách của phía hành pháp không phải bởi vì cùng thuộc Đảng Dân chủ mà bởi liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như đến quan hệ của Mỹ với các đồng minh chiến lược, đối tác quan trọng nhất hay đối thủ chính của Mỹ ở trong khu vực này, giữa hai đảng phái chính trị lớn nhất ở Mỹ và giữa lập pháp với hành pháp ở Mỹ xưa nay luôn có sự đồng thuận quan điểm cơ bản sâu rộng và phối hợp hành động rất chặt chẽ.

Mỹ xác định mục tiêu đầy tham vọng ở khu vực lớn này là gây dựng vai trò dẫn dắt, chi phối trong việc cấu trúc khu vực trên mọi phương diện, có việc Mỹ làm riêng, có việc Mỹ làm cùng Ấn Độ, Nhật Bản và Australia trong khuôn khổ của cái gọi là Bộ tứ kim cương. Khu vực này cũng là nơi Mỹ xác định cạnh tranh chiến lược trực tiếp với Trung Quốc và xử lý trên thực địa những vấn đề an ninh chiến lược của Mỹ nhưng lại có phần liên quan trực tiếp đến Trung Quốc, hay nói theo cách khác là trắc trở với Trung Quốc ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á, có vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và vấn đề Đài Loan cũng như Biển Đông.

Chuyến công du châu Á này của bà Pelosi đưa lại bằng chứng thời sự nhất về việc Mỹ tập trung vào 3 khu vực chính trong chiến lược đối với khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực Đông Bắc Á, khu vực Đông Nam Á và khu vực Nam Thái Bình Dương. Cách làm của Mỹ là củng cố và trấn an đồng minh chiến lược, tranh thủ đối tác và tập hợp lực lượng.

Đối ngoại luôn được sử dụng để phục vụ đối nội. Với chuyến công du Đông Á này của bà Pelosi cũng vậy. Nó tác động tới cuộc vận động bầu cử của phe cánh Đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở nước Mỹ vào đầu tháng 11 tới. Phe Đảng Dân chủ phải nỗ lực tối đa, đoàn kết thống nhất nội bộ mà không để cho phía Đảng Cộng hòa chiếm lĩnh bất cứ chủ đề nội dung quan trọng nào về đối nội cũng như đối ngoại trong vận động tranh cử thì may ra mới có thể bảo vệ được quyền kiểm soát lưỡng viện lập pháp Mỹ như hiện tại./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận