Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đấy là "Chiến dịch quân sự đặc biệt" khi phát lệnh tấn công quân sự vào Ukraine ngày 24/2 năm nay. Sau nửa năm, chiến dịch quân sự đặc biệt này của Nga đã phát triển và biến dạng thành một cuộc chiến tranh thực thụ giữa Nga và Ukraine, lại còn với những cách thức tiến hành chiến tranh hoàn toàn mới và với những chủng loại vũ khí hiện đại mới vốn chưa từng được sử dụng trong chiến tranh thực thụ lần nào. Sau nửa năm chiến sự, thực trạng trên chiến trường giữa Nga và Ukraine bây giờ là Nga vừa tiếp tục tấn công nhưng vừa bị Ukraine phản công và Ukraine vừa đối phó những cuộc tấn công của Nga lại vừa tổ chức phản công. Chiến sự không chỉ diễn ra ở Ukraine mà bom rơi đạn nổ cả ở bán đảo Crimea, bom nổ cả ở bên trong lãnh thổ Nga. Đồng thời còn bùng phát cuộc đối địch quyết liệt không khoan nhượng giữa Mỹ, EU, NATO và đồng minh trực tiếp ở bên ngoài Ukraine và gián tiếp ở Ukraine. Sự trợ giúp ồ ạt của phe này cho Ukraine về chính trị, tài chính và quân sự đã giúp Ukraine chống chọi được với Nga về quân sự cho đến tận ngày nay, đã làm cản đáng kể bước tiến quân của Nga ở Ukraine.
Nhìn lại diễn biến cuộc chiến ở Ukraine trong nửa năm qua và những hậu quả, hệ luỵ từ đó, nhận thức đầu tiên có thể rút ra được là tuy giao tranh quân sự trên thực địa chỉ giữa Ukraine và Nga nhưng trong bản chất lại là cuộc đối địch giữa Nga với EU và NATO. Cho nên chừng nào Mỹ, EU, NATO và đồng minh còn theo đuổi ý định trợ giúp Ukraine về chính trị, quân sự và tài chính để chiến tranh với Nga thì chừng ấy chiến sự chưa thể chấm dứt được ở Ukraine.
Nhận thức thứ hai có thể rút ra được là không những chỉ chiến sự ở Ukraine còn tiếp diễn mà triển vọng có được giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine hiện rất mờ mịt. Cả Nga lẫn Ukraine đều chưa có chủ định và chưa sẵn sàng đi vào đàm phán hòa bình với nhau. Nga chưa đạt được những mục tiêu đề ra với cuộc chiến này nên chưa ngừng cuộc chiến. Ukraine chấp nhận hòa đàm bây giờ thì bị bất lợi nhiều so với Nga và Ukraine thấy rằng vẫn còn có thể dựa vào Mỹ, EU, NATO và đồng minh để đối phó Nga nên không mặn mà gì với việc đi vào đàm phán hoà bình với Nga.
Một nhận thức nữa là mục tiêu của Mỹ, EU, NATO và đồng minh không những chỉ là buộc Nga phải triệt thoái hoàn toàn binh lính ra khỏi Ukraine và khôi phục lại sự toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine mà còn làm cho Nga từ sau cuộc chiến này không còn có thể là mối đe dọa an ninh nữa đối với các nước ở châu Âu.
Cho đến nay, cuộc chiến ở Ukraine đã làm cho cả Ukraine lẫn Nga đều bị tổn hại nặng nề về người và của cải. Phát triển kinh tế và cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực. Hàng triệu người Ukraine chạy tỵ nạn chiến tranh ra nước ngoài. Nga bị Mỹ, EU, NATO và đồng minh gây khó dễ bằng cô lập về chính trị và trừng phạt về kinh tế, thương mại và tài chính. Ukraine được EU dành cho quy chế nước ứng cử viên gia nhập liên minh. Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Với cuộc chiến này, Nga đã làm đổ vỡ mọi cấu trúc an ninh chung cho cả châu lục tồn tại từ nhiều thập kỷ nay. Với chủ định hậu thuẫn Ukraine bằng mọi giá để Nga không thể thắng được ở Ukraine và với chủ trương bao vây, cô lập và trừng phạt Nga, Mỹ cùng với EU, NATO và đồng minh làm thay đổi hoàn toàn cả bản chất lẫn cách thức vận hành quan hệ của họ với Nga. NATO triển khai thêm quân đội và vũ khí hiện đại tới sát biên giới Nga. EU tìm mọi cách để chấm dứt sự lệ thuộc vào Nga về cung ứng năng lượng.
Cuộc chiến ở Ukraine trở thành tâm điểm của chính trị thế giới và làm xao nhãng ở mức độ nhất định sự quan tâm của thế giới đến những vấn đề khác vốn được quan tâm, để ý hàng đầu lâu nay. Cả trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục như vậy./.
Hoàng Lan