Nhật Bản thúc đẩy hợp tác với châu Phi

TICAD năm nay được cả Nhật Bản lẫn các nước châu Phi kỳ vọng tạo nên bước chuyển đột phá và cơ bản.

 

Kỳ hội họp lần thứ 8 của khuôn khổ diễn đàn hợp tác giữa Nhật Bản và các nước châu Phi với tên gọi Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) năm nay diễn ra ở Tunisia. Vì bị nhiễm Covid-19, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida không thể tới Tunisia tham dự trực tiếp sự kiện mà chỉ có thể sử dụng hình thức trực tuyến. Nhưng không vì thế mà hội nghị này năm nay suy giảm ý nghĩa và tác động quan trọng đối với mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và các nước châu Phi.

TICAD được Nhật Bản khởi xướng thành lập năm 1993 và cuộc họp diễn ra cứ 3 năm một lần. Thời đầu, khuôn khổ diễn đàn này ít được thế giới bên ngoài để ý đến. Nhưng kể từ khi Trung Quốc đề ra và thực thi chiến lược chinh phục châu Phi bằng những chương trình viện trợ tài chính cho không, chương trình vay tín dụng với lãi suất ưu đãi, chương trình đầu tư trực tiếp ồ ạt vào các nước châu Phi, gây dựng nhanh chóng và gia tăng mạnh mẽ ảnh hưởng trên nhiều phương diện ở các nước châu Phi thì không những chỉ có Nhật Bản mà còn cả nhiều đối tác lớn bên ngoài khác như Mỹ, EU, Ấn Độ, Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ đều như thể được thức tỉnh và cũng rất coi trọng việc chinh phục châu Phi. TICAD trở nên càng thêm quan trọng đối với Nhật Bản khi các đối tác kia sao chép mô hình thể chế hoá quan hệ hợp tác này của Nhật Bản với các nước châu Phi. Trung Quốc thành lập "Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi". EU và Mỹ đưa ra chiến lược đối với châu Phi và nhiều lần tiến hành gặp gỡ cấp cao với các nước châu Phi. Ấn Độ thành lập "Diễn đàn Ấn Độ - châu Phi".

Tổng thống Tunisia Kais Saied và ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tại Hội Nghị Ticad, ngày 27/08/2022 ở Tunis, thủ đô Tunisia. (AP - Fethi Belaid)Ở TICAD năm nay, Nhật Bản không đưa ra cam kết đầu tư trực tiếp với quy mô vốn lớn như lần hội họp trước đấy vào năm 2019 (khi ấy, Nhật Bản cam kết huy động 20 tỷ USD từ giới kinh tế tư nhân để đầu tư trực tiếp vào các nước châu Phi). Ông Kishida cho biết trong thời gian 3 năm tới, Nhật Bản sẽ đầu tư 3 tỷ USD vào các nước châu Phi và thậm chí có thể tăng mức độ vốn đầu tư này lên tới 5 tỷ USD. Về giá trị tuyệt đối, khoản vốn đầu tư này của Nhật Bản không lớn so với các đối tác khác, nhưng thể hiện Nhật Bản hiện rất coi trọng châu Phi bởi bản thân Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn về tăng trưởng kinh tế và chống lạm phát.

Chủ định của Nhật Bản là thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác để gây dựng và gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi. Nhật Bản có được khuôn khổ diễn đàn đối thoại và hợp tác với các nước châu Phi từ rất sớm nhưng nay vẫn chậm chân hơn không ít đối tác khác ở châu Phi. TICAD năm nay được cả Nhật Bản lẫn các nước châu Phi kỳ vọng tạo nên bước chuyển đột phá và cơ bản. Châu Phi đang phải đối đầu với những thách thức như biến đổi khí hậu trái đất, dịch bệnh, bất an bất ổn về chính trị và xã hội, lại còn không thể tránh khỏi bị tác động tiêu cực bởi cuộc chiến ở Ukraine - như bị gián đoạn cung ứng lương thực. Các nước châu Phi coi trọng hợp tác với bên ngoài nhưng gặp phải cũng không ít bài học kinh nghiệm cay đắng trong hợp tác với các đối tác bên ngoài, vì thế rất hoan nghênh Nhật Bản tham gia cuộc ganh đua ảnh hưởng ở châu lục giữa các đối tác bên ngoài để có đối trọng và thêm sự lựa chọn đối tác. Nhật Bản khai thác lợi thế này bằng cách làm riêng ở châu Phi. Các dự án hợp tác của Nhật Bản ở châu Phi tập trung vào việc gây dựng sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và phát triển nguồn nhân lực, trợ giúp các nước châu Phi gặp khó khăn tài chính do hợp tác với các đối tác bên ngoài khác. Nhật Bản kết hợp nguồn vốn đầu tư của chính phủ với nguồn vốn đầu tư của giới kinh tế tư nhân, coi trọng chất lượng và hiệu quả thiết thực. Tận dụng ưu thế riêng và với cách làm riêng, Nhật Bản làm cho cuộc ganh đua chinh phục châu Phi giữa các đối tác bên ngoài thêm sôi động và quyết liệt./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận