Châu Âu chạy đua chuẩn bị kịch bản thiếu năng lượng trong mùa đông

Sự sụt giảm mạnh nguồn cung từ Nga, vốn trước đây cung cấp tới 40% nhu cầu khí đốt của EU, đã khiến các nước phải nhanh chóng tìm nguồn năng lượng thay thế.

 

Ngày 19/9, Đức cho biết nước này đang tìm cách ký thỏa thuận mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) với các nhà sản xuất Vùng Vịnh. Các nước châu Âu khác cũng đã đặt ra giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh dòng khí đốt từ Nga đang ở mức thấp nghiêm trọng khi mùa đông sắp đến gần.

Đức cho biết nước nước này muốn ký hợp đồng LNG ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để cung cấp cho các kho cảng mà Berlin đang xây dựng, do đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 vận chuyển khí đốt từ Nga đã dừng hoạt động. Tây Ban Nha và Pháp cũng lên kế hoạch khẩn cấp để tìm cách tránh phải cắt điện.

Đoạn đường ống dẫn khí đốt thuộc Dòng chảy phương Bắc 2 ở Lubmin, Đức, tháng 3/2022. (Ảnh: Reuters)“Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, các nguồn dự trữ tại Đức ở mức cao và chúng ta có một chút may mắn với thời tiết… chúng ta sẽ có cơ hội vượt qua mùa đông tới một cách dễ chịu”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết sau chuyến thăm trạm LNG tương lai ở miền Bắc nước này.

Sự sụt giảm mạnh nguồn cung từ Nga, vốn trước đây cung cấp tới 40% nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU), đã khiến các nước phải nhanh chóng tìm nguồn cung cấp năng lượng thay thế, đồng thời dấy lên lo ngại về khả năng cắt điện cũng như suy thoái kinh tế.

Giới chức châu Âu cáo buộc Nga đang “vũ khí hóa” năng lượng, trong khi Nga đổ lỗi co các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với Moscow đã cản trở việc cung cấp khí đót qua các hệ thống đường ống.

Trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz tới Vùng Vịnh, Công ty năng lượng RWE của Đức cho biết, họ đang có các cuộc thảo luận suôn sẻ và mang tính xây dựng với Qatar về việc cung cấp LNG. Trong khi đó, tập đoàn năng lượng Uniper, khách hàng Đức mua khí đốt Nga nhiều nhất, cho biết họ vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc cứu trợ.

Đức có thể bắt đầu nhận khí đốt của Pháp từ tháng 10 tới, người đứng đầu Cơ quan quản lý năng lượng CRE của Pháp cho biết. Trước đó, Tổng thống Pháp tuyên bố sẵn sàng cung cấp khí đốt cho Đức, còn Đức có thể chuyển điện cho Pháp để giúp nhau ứng phó khủng hoảng năng lượng.

Trong khi đó, theo bà Wargon, nếu việc sửa chữa lò phản ứng hạt nhân của tập đoàn năng lượng EDF bị chậm trễ, các biện pháp “ngoại lệ” Pháp có thể thực hiện trong mùa đông tới là cắt điện cục bộ.

“Tuy nhiên, sẽ không có chuyện cắt khí đốt cho các hộ gia đình”, bà Wargon cho biết.

“Mùa đông khó khăn”

Bên kia dãy núi Pyrenees, Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha Reyes Maroto nói rằng việc bắt buộc các công ty sử dụng nhiều năng lượng phải đóng cửa trong giai đoạn tiêu thụ cao điểm là một lựa chọn trong mùa đông tới nếu cần thiết.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Europa Press, bà Maroto cho biết, các công ty sẽ được bồi thường về tài chính nếu bị buộc phải đóng cửa, nhưng hiện tại chưa cần phải áp dụng biện pháp như vậy.

Tại Phần Lan, nhà vận hành mạng lưới điện quốc gia Fingrid đã cảnh báo người dân nên chuẩn bị cho khả năng thiếu điện.

Trong khi đó, Công ty bán lẻ điện Phần Lan Karhu Voima Oy cho biết, họ đã nộp đơn xin phá sản do giá điện tăng quá cao.

Ở Đức, Bộ trưởng Kinh tế Habeck nói rằng Berlin sẽ không để các nhà nhập khẩu khí đốt lớn như VNG bị vỡ nợ. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức nói rằng các cuộc thảo luận tập trung vào cứu trợ đang diễn ra với công ty nhập khẩu Uniper.

Ở Bồ Đào Nha, chính phủ cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung nhằm tăng cường an ninh năng lượng.

“Giống như tất cả các nước châu Âu khác, Bồ Đào Nha cũng đang chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn”, Bộ trưởng năng lượng và môi trường Duarte Cordeiro nói đồng thời thúc giục Ủy ban châu Âu thúc đẩy kế hoạch về nền tảng thu mua khí đốt chung EU và xác định giá nhập khẩu.

Nguy cơ suy thoái kinh tế

Trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt cho EU. Tuy nhiên, đầu tháng này, Moscow đã dừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 sang châu Âu viện dẫn các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này.

Việc cung cấp khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 đã dừng lại, nhưng khí đốt Nga vẫn chảy tới châu Âu qua Ukraine mặc dù có giảm.

Việc thiếu hụt khí đốt từ Nga khiến các chính phủ châu Âu phải chật vật trong việc tìm ra nguồn năng lượng thay thế, đồng thời cảnh báo việc cắt điện có thể xảy ra, trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế.

Ngân hàng trung ương Đức cho biết nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang suy thoái và tình hình có thể tồi tệ hơn trong những tháng mùa đông khi lượng tiêu thụ khí đốt bị cắt giảm hoặc phải chia tỷ lệ sử dụng.

Tuy nhiên, theo dữ liệu từ hạ tầng khí đốt châu Âu (Gas Infrastructure Europe), dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đã đạt 85,6%, trong đó dự trữ của Đức gần 90%.

“Các kho dự trữ đang được tiếp tục xây dựng thêm và dòng khí đốt từ Na Uy đang tăng lên trong tuần này”, các nhà phân tích tại Energi Danmark cho biết.

Trong khi đó, nhập khẩu than cốc của châu Âu trong năm nay có thể đạt mức cao nhất trong 4 năm. Theo Noble Resources International Pte Ltd, nhập khẩu than cốc của châu Âu trong năm 2022 có thể tăng lên khoảng 100 triệu tấn, cao nhất kể từ năm 2017./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo Reuters

 

Bình luận

    Chưa có bình luận