Cánh hữu thắng thế ở Italy

Cuộc bầu cử quốc hội ở Italy vừa qua đã đưa lại kết quả với tác động như trận địa chấn làm rung chuyển chính trường cả châu Âu và trong EU...

Đầu tiên ở Pháp, tiếp đến ở Thụy Điển và mới rồi ở Italy, lực lượng cánh hữu và cực hữu ở châu Âu liên tục đưa lại bằng chứng xác thực mới về sự trỗi dậy mạnh mẽ. Ở Pháp, trong cuộc bầu cử tổng thống, phe này không thắng nhưng đã đạt được kết quả cao chưa từng thấy từ trước đến nay, đủ để làm mờ nhạt sự tái đắc cử của Tổng thống Emmanuel Macron. Ở Thụy Điển, phe cánh hữu, cực hữu và dân tuý đã đánh bại liên minh xã hội dân chủ, Đảng Xanh và cánh tả cầm quyền hơn 8 năm nay để lần đầu tiên trong lịch sử thành lập chính phủ. Ở Italy, cuộc bầu cử quốc hội ngày 25/9 vừa qua đã đưa lại kết quả với tác động như trận địa chấn làm rung chuyển chính trường không phải chỉ có ở đất nước này mà còn ở cả châu Âu và trong EU khi liên minh ba đảng cánh hữu, cực hữu và thậm chí cả "hậu phát xít" giành về được đa số ở cả hạ viện lẫn thượng viện. Lần đầu tiên trong lịch sử Italy, thủ tướng chính phủ sẽ là một phụ nữ mà người phụ nữ này là chủ tịch một đảng phái chính trị có gốc rễ phát tích từ đảng của cựu độc tài phát xit Benito Mussolini.

Theo kết quả bầu cử đã được công bố, đảng Fratelli d'Italia (hậu phát xít) của bà Giorgia Meloni giành về được 26% phiếu bầu - ở cuộc bầu cử quốc hội năm 2018 chỉ đạt được có 4% - và trở thành chính đảng lớn nhất trong quốc hội Italy. Hai đảng khác trong liên minh cánh hữu là đảng Lega (cánh hữu dân tuý) giành được 8,9% và đảng Forza Italia (cánh hữu - trung tâm) có được 8,3% phiếu bầu của hơn 51 triệu cử tri. Ba đảng này liên danh tranh cử nên tận dụng được lợi thế đặc biệt mà luật bầu cử ở Italy ưu ái cho các liên minh hay liên danh tranh cử. Nhờ đó, liên danh tay ba này tuy không đạt được hơn 50% phiếu bầu của cử tri nhưng lại có được đa số tuyệt đối trong lưỡng viện lập pháp.

Ở Italy, bà Meloni và đảng Fratelli d'Italia thắng lớn nhờ tác động đồng thời của những nguyên nhân sau. Thứ nhất, cử tri ở đất nước này quá ngán ngẩm với thực trạng chính trị của đất nước khi chỉ riêng trong thời gian 4 năm qua đã có tới 3 lần thay đổi chính phủ. Thủ tướng đương nhiệm Mario Draghi, cựu thống đốc Ngân hàng trung ương châu Âu, được EU rất nể phục và đề cao nhưng lại không được cử tri tín nhiệm. Trong khi đó, bà Meloni và đảng Fratelli d'Italia lại là phe đối lập đáng kể duy nhất. Cử tri ở Italy muốn thay đổi, kể cả khi không dám chắc rằng tránh vỏ dưa thì sẽ không gặp vỏ dừa. Thứ hai, bà Meloni sử dụng rất khôn khéo và hiệu quả con chủ bài "đổ lỗi cho EU", tức là cáo buộc EU trực tiếp cũng như gián tiếp đẩy Italy vào tình cảnh khó khăn và khủng hoảng, để rồi cam kết nếu đắc cử sẽ hành động theo khẩu hiệu "Đất nước Italy trước hết" như ông Donald Trump ở Mỹ. Theo đấy, chính phủ do bà Meloni đứng đầu sẽ không đưa Italy ra khỏi EU như nước Anh, cũng không hủy hoại EU từ bên trong như Ba Lan mà chỉ đặt lợi ích riêng của Italy lên trên hết và trước hết trong EU. Cử tri Italy rất thích nghe những cam kết và quả quyết ấy. Thứ ba, ở Italy không tồn tại cái gọi là "diện cử tri truyền thống" đối với các đảng phái chính trị nên các đảng phái chính trị có thể đạt được mà cũng có thể bị mất tỷ lệ phiếu bầu cao rất nhanh. Bốn năm trước, đảng của bà Meloni giành về chỉ được có 4% phiếu bầu mà bây giờ trở thành đảng phái chính trị lớn nhất trong quốc hội. Bốn năm trước, đảng Phong trào 5 ngôi sao là đảng phái chính trị lớn nhất trong quốc hội mà lần này chỉ có được 15,5%, đứng thứ 5.

Kết quả bầu cử quốc hội như trên ở Italy khiến EU lo ngại bởi bà Meloni tuy đồng hành với EU trong chính sách đối với Nga và Ukraine nhưng chủ trương buông lỏng kỷ cương ngân sách, tăng vay nợ công và đòi hỏi EU cung cấp tài chính nhiều hơn cho Italy. Sự trỗi dậy của cánh hữu và cực hữu, sự ổn định giá trị của đồng euro bị đe dọa, kỷ cương tài chính ngân sách trong EU bị thách thức khiến EU thêm khó khăn và khó xử./.

Hoàng Lan

Bình luận

    Chưa có bình luận