Trước hội nghị cấp cao không chính thức vừa rồi của EU ở thủ đô Praha (Séc), một cuộc gặp cấp cao của 44 quốc gia châu Âu đã được tổ chức. Các thành viên tham dự là 27 thành viên EU và 17 quốc gia khác, trong đó có cả nước ứng cử viên gia nhập EU, thành viên NATO không phải là thành viên EU và quốc gia khác ở châu Âu. Đương nhiên là Nga không được mời tham dự bởi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã làm hình thành cuộc đối địch không khoan nhượng giữa EU và NATO với Nga. Cuộc chiến này đang tiếp tục làm châu Âu thay đổi cơ bản trên mọi phương diện và đặt ra nhiều câu hỏi lớn về tương lai chính trị, triển vọng an ninh, ổn định và phát triển, đặc biệt cấu trúc và trật tự chính trị an ninh trên châu lục mà hiện không ai có được câu trả lời. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xướng việc tổ chức cuộc gặp này và nó có được tên gọi là Cộng đồng chính trị châu Âu. Thật ra, bản chất ý tưởng đã có từ việc EU hồi năm 1997, sau khi không công nhận Thổ Nhĩ Kỳ là ứng cử viên gia nhập EU, thành lập khuôn khổ diễn đàn trao đổi lỏng lẻo giữa EU và các nước ở châu Âu có nguyện vọng gia nhập EU. Mục đích của EU là níu kéo các nước này vào quan hệ hợp tác với EU mà không cần phải kết nạp họ vào liên minh, làm như thế để họ vừa không co cụm lại với nhau vừa ngả theo đối tác khác. Năm 2000, EU lần đầu tiên tổ chức Hội nghị châu Âu với sự tham dự của các thành viên EU và những nước ứng cử viên gia nhập EU. Nhưng rồi từ sau đấy, chủ định này không được EU tiếp tục theo đuổi.
Cộng đồng chính trị châu Âu (EPC) có nguồn gốc ở đấy. Sau cuộc gặp vừa rồi ở Praha, ý tưởng về tập hợp các quốc gia châu Âu ở trong cũng như ở ngoài EU và NATO xem ra không bị chết yểu như Hội nghị châu Âu sau cuộc hội họp năm 2000 ở Nice (Pháp). Một số nước đã hăng hái đăng ký đăng cai tổ chức lần gặp tới của EPC cho dù các nước tham gia chưa xác định cụ thể thời gian.
Các thành viên EU và NATO ở châu Âu bập ngay vào đề xuất của ông Macron và giúp người này gặt hái thành quả đối ngoại mới đơn giản vì muốn dùng sự co cụm châu lục này để cô lập Nga về chính trị, để phân rẽ và tách biệt Nga với phần còn lại của châu Âu. Họ muốn tạo hình ảnh, cảm nhận và khuôn khổ thống nhất cả châu Âu đối địch Nga. Rồi đây, bất kể cuộc chiến tranh ở Ukraine đi tới kết cục nào và kết thúc như thế nào thì châu Âu vẫn cần có cấu trúc và trật tự chính trị an ninh mới thay thế cho những cấu trúc và trật tự chung - có sự tham gia của Nga - đã bị đổ vỡ hoặc vô hiệu hoá bởi cuộc chiến ở Ukraine. Các nước châu Âu khác cần sự co cụm toàn châu lục như EPC để có tiếng nói riêng của họ trong quá trình định hình tương lai chính trị chung, cấu trúc và trật tự chung cho cả châu lục chứ không để cho các thành viên EU và NATO tự quyết định với nhau về tương lai chính trị và an ninh của châu lục và đặt họ trước sự đã rồi.
EPC là sự co cụm châu lục nhưng vì gạt Nga ra ngoài nên nó lại là sự phân rẽ châu lục. Nga là một phần của châu Âu nên tương lai hay số phận nào của châu Âu cũng đều không thể tách biệt Nga và coi Nga như thể không thuộc về châu lục. EPC rồi đây sẽ được từng bước thể chế hoá và các thành viên EU, NATO phải dành cho các nước châu Âu khác tiếng nói và vai trò xứng đáng hơn trong khuôn khổ EPC. Nhưng nếu định hướng ngay từ đầu EPC nhằm để đối địch Nga, tức là nhằm chia rẽ chứ không phải thống nhất châu Âu, thì những cấu trúc và trật tự chính trị an ninh chung cho các thành viên EPC không thể được coi là của chung cho cả châu Âu, vì thế chắc chắn không thể ổn định và bền vững lâu dài./.
Hoàng Lan