Giá trị mới của mối quan hệ truyền thống

Quan hệ hợp tác giữa Nga và Ấn Độ được thúc đẩy có lợi cho Nga bao nhiêu thì bất lợi cho các nước phương Tây bấy nhiêu trong mọi chuyện liên quan đến Ukraine...

 

Nga và Ấn Độ vốn có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp kể từ nhiều thập kỷ nay. Hai nước này còn cùng nhau tạo thành cặp quan hệ quyền lực trong không ít tổ chức và thể chế hợp tác, liên kết đa phương quốc tế. Kể từ khi bùng phát chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, mối quan hệ song phương này có ý nghĩa và tầm quan trọng thêm đặc biệt đối với hai nước và đối với chính trị thế giới, chính trị an ninh thế giới cũng như đối với diễn biến và kết cục của chính cuộc chiến ở Ukraine. Nó có được giá trị mới trong thời cuộc mới trên thế giới.

Chuyến đi Nga của bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ Subrananyam Jaishanka được cả trong lẫn ngoài Nga và Ấn Độ quan tâm đặc biệt vì thời cuộc mới ấy. Ông Jaishanka đi Nga lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine bùng phát nhưng đã gặp bộ trưởng ngoại giao Nga Sergeij Lavrov 5 lần kể từ đầu năm nay. Mỹ, EU và đồng minh rất nỗ lực lôi kéo Ấn Độ về phe họ để cùng cô lập Nga, bao vây cấm vận và trừng phạt Nga để Nga cạn kiệt mọi nguồn lực và bị cô lập trên thế giới về chính trị và quan hệ quốc tế đến mức không thể thắng nổi trong cuộc chiến ở Ukraine. Phe này ý thức được rằng nếu không phân rẽ được Ấn Độ và Trung Quốc với Nga thì những mưu tính chiến lược và sách lược của họ nhằm đối phó, đối địch và trừng phạt Nga rất khó có thể thành công. Chẳng hạn như Mỹ, EU và nhóm G7 sử dụng mọi cách thức có thể nghĩ ra được để cấm vận Nga xuất khẩu năng lượng, không để cho Nga tận dụng tình trạng giá năng lượng cao trên thị trường thế giới để vẫn thu lợi về nhiều từ xuất khẩu năng lượng mà không cần phải xuất khẩu khối lượng năng lượng lớn hơn. Trên thực tế, ở thời trước khi chiến sự bùng phát ở Ukraine, nhập khẩu dầu mỏ từ Nga chỉ chiếm có 2% toàn bộ nhập khẩu dầu mỏ của Ấn Độ nhưng hiện tại, tỷ trọng này đã tăng lên tới 23%. Giống như Ấn Độ, Trung Quốc cũng gia tăng rất đáng kể mức độ nhập khẩu năng lượng từ Nga. Trong khi các nước phương Tây tăng cường bao vây, cấm vận và trừng phạt Nga, hạn chế tối đa nhập khẩu dầu mỏ của Nga thì Ấn Độ trở thành khách hàng lớn thứ 2 của Nga về nhập khẩu dầu mỏ, chỉ sau có Trung Quốc.

Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov có cuộc tiếp xúc tại Moscow, Nga ngày 8/11. (Ảnh: Reuters)Quan hệ giữa Nga và Ấn Độ càng được thúc đẩy trong bối cảnh tình hình hiện tại thì các nước phương Tây chắc chắn càng thêm không hài lòng. Giá trị to lớn của mối quan hệ song phương này đối với Nga trong bối cảnh tình hình hiện tại trong chính trị thế giới, chính trị an ninh thế giới và quan hệ kinh tế đối ngoại thế giới thể hiện ở chỗ giúp cho Nga có được một lối lách thoát ra khỏi tình thế bị các nước phương Tây cô lập, bao vây cấm vận và trừng phạt. Ấn Độ không công khai ủng hộ Nga về cuộc chiến ở Ukraine nhưng cũng không phê phán Nga. Ấn Độ có mối quan hệ hợp tác tốt trên nhiều phương diện với cả Nga và các nước phương Tây. Vì thế, quan hệ hợp tác giữa Nga và Ấn Độ được thúc đẩy thì có lợi cho Nga bao nhiêu thì bất lợi cho các nước phương Tây bấy nhiêu trong mọi chuyện liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine.

Phe này càng thêm quan ngại về chuyến đi Nga của vị bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ. Ông Lavrov cho biết, hai bên trao đổi cả về thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực quân sự và quốc phòng, kể cả hợp tác sản xuất vũ khí hiện đại, hợp tác về hạt nhân và không gian vũ trụ. Ngoài ra, nhìn vào đoàn chức sắc và doanh nhân tháp tùng ông Jaishanka đi Nga lần này có thể thấy Nga và Ấn Độ chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, hoá chất, phân bón, hải cảng, đóng tàu, dầu mỏ, khí đốt, thương mại, dịch vụ... Tất cả đều là những lĩnh vực hợp tác song phương có lợi ích chiến lược to lớn và lâu dài cho cả hai bên nhưng hiện bị phe phương Tây ngăn trở bằng mọi giá và với mọi cách./.

Hoàng Lan

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận