Thượng đỉnh Mỹ - Trung sẽ tháo gỡ bất đồng giữa lúc quan hệ 2 bên gặp sóng gió?

Cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có tạo được cơ hội để tháo gỡ bất đồng?

 

Hôm 14/11, tại Bali, Indonesia, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), sẽ diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ.

Theo thông báo của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những nỗ lực duy trì và làm sâu sắc hơn nữa các đường dây liên lạc cũng như “cách thức quản lý cạnh tranh” và “hợp tác với nhau khi lợi ích song trùng, đặc biệt là liên quan đến những thách thức xuyên quốc gia”.

Trước đó, phát biểu với báo giới, Tổng thống Mỹ Biden nói rằng ông hy vọng sẽ tìm thấy một cơ hội thỏa hiệp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để góp phần hạ nhiệt một số căng thẳng khu vực.

Cuộc gặp đáng chú ý

Thượng đỉnh Mỹ - Trung lần này là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức đầu năm 2021 mặc dù hai bên đã có 5 lần điện đàm. Cuộc gặp diễn ra sau khi quan hệ giữa hai nước xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ do một số vấn đề liên quan tới thương mại và công nghệ, nhân quyền và Đài Loan, nhất là sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng 8.

Ngoài ra, cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh ông Tập Cận Bình vừa đắc cử chức Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba, trong khi đó, ông Joe Biden được dự báo là sẽ gặp khó khăn hơn trong 2 năm tới sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ trong trường hợp đảng Cộng hòa có khả năng giành quyền kiểm soát một hoặc cả 2 viện của Quốc hội. Việc cả hai bên cùng tìm kiếm cơ hội giảm căng thẳng, ổn định mối quan hệ giữa các nước lớn là điều dễ hiểu bởi thực tế Trung Quốc vẫn là một đối thủ chiến lược và là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ.

Tại cuộc gặp lần này, hai bên dự kiến sẽ làm rõ lằn ranh đỏ của mỗi nước trong quan hệ song phương, xác định những lĩnh vực có thể cùng hợp tác và nhằm ổn định quan hệ. Phía Mỹ cho biết hai bên sẽ thảo luận nỗ lực duy trì và tăng cường các kênh liên lạc giữa hai nước, quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm, và hợp tác ở những lĩnh vực có lợi ích song trùng, đặc biệt là các thách thức xuyên quốc gia ảnh hưởng tới cộng đồng quốc tế. Nội dung thảo luận cũng sẽ bao gồm một số vấn đề khu vực và toàn cầu như cuộc khủng hoảng Ukraine và các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Theo đánh giá của giới phân tích, mặc dù đây là cơ hội để hai nước hạ nhiệt căng thẳng, kỳ vọng về một đột phá là không cao và thậm chí sẽ không có tuyên bố chung nào được đưa ra sau cuộc gặp.

Kỳ vọng của Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thông điệp đưa ra mới đây, nhấn mạnh, là những cường quốc lớn, Trung Quốc và Mỹ nên tăng cường đối thoại và hợp tác để tạo nên sự ổn định cho thế giới.

Trung Quốc từng nhiều lần khẳng định, quan hệ Trung - Mỹ là một trong những cặp quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới. Trung Quốc cũng từng nhấn mạnh, ngoại giao nguyên thủ đóng vai trò không thể thay thế trong trao đổi giữa các quốc gia. Cho dù giữa hai nước còn tồn tại bao nhiêu vấn đề, thì đối thoại luôn đóng vai trò then chốt, do vậy việc giữ cho các kênh đối thoại luôn thông suốt là điều hết sức quan trọng trong việc tìm ra cách giải quyết các vấn đề giữa hai nước.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 11/11 khi đề cập đến kỳ vọng của Bắc Kinh đối với cuộc gặp này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định, sự phát triển ổn định của quan hệ Trung - Mỹ phù hợp với lợi ích của cả hai bên và cũng là kỳ vọng của các quốc gia trên thế giới. Ông cho biết, Trung Quốc luôn nhìn nhận và phát triển quan hệ Trung - Mỹ theo ba nguyên tắc “tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng thắng” mà Chủ tịch nước này đề ra. Ông mong muốn 2 nước đi đến điểm chung, quản lý thỏa đáng bất đồng, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, tránh hiểu lầm và đánh giá sai, đưa quan hệ Trung - Mỹ trở lại đúng hướng phát triển lành mạnh và ổn định.

Đáng chú ý, cuộc gặp trực tiếp lần này ông Tập Cận Bình và ông Biden diễn ra sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc không lâu, do vậy đã cho thấy tầm quan trọng và tính định hướng đối với cả hai bên, cũng như mong muốn của hai nước trong việc duy trì sự ổn định quan hệ song phương trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.

Ông Biden khi còn là Phó Tổng thống Mỹ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2013. Ảnh: AP

Cơ hội tháo gỡ bất đồng

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc chứng kiến căng thẳng leo thang trên nhiều phương diện, nhưng cũng đồng thời có nhu cầu phối hợp ở nhiều vấn đề, đơn cử như biến đổi khí hậu.

Mặc dù trước cuộc gặp, hai bên đều đưa ra những tuyên bố mang tính xây dựng, gợi mở giải quyết các bất đồng, nhưng khả năng đạt được các kết quả cụ thể là rất khó khăn. Về đánh giá lẫn nhau, có thể thấy rằng quan điểm của lãnh đạo Mỹ - Trung tương đối khác biệt.

Các chuyên gia và truyền thông Trung Quốc đều đánh giá cao việc nguyên thủ hai bên gặp mặt trực tiếp. Tuy nhiên, họ cũng ý thức được rằng quan hệ Trung - Mỹ đang gặp phải những khó khăn chưa từng có, cả Trung Quốc và Mỹ cũng như toàn thế giới đều đang phải chịu sức ép ngày càng lớn và nhiều nguy cơ tiềm ẩn trước tình hình quốc tế phức tạp khó lường hiện nay.

Tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba trong khi tại Mỹ, Tổng thống Biden cũng vừa trải qua cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được đánh giá là có kết quả tốt nhất so với các kỳ trước đây. Tuy nhiên, lãnh đạo Mỹ có thể cho rằng Trung Quốc hiện nay đang gặp khó khăn về kinh tế, trong khi Trung Quốc nhận định uy tín của Tổng thống Biden đang xuống thấp và sẽ vấp phải thách thức quyết liệt từ đảng Cộng hòa trong việc thực thi các chương trình nghị sự thời gian tới. Điều này có thể dẫn tới việc hai bên chưa có bất cứ lý do gì để thể hiện hoặc thực hiện nhượng bộ lẫn nhau.

Về mặt chiến lược, trong báo cáo tại Đại hội Đảng XX, Trung Quốc đã mô tả các thách thức và đe dọa mà phần lớn trong số đó đều ám chỉ các thách thức mà Mỹ đang đặt ra hoặc đang tham gia hỗ trợ. Về phía Mỹ, chính quyền Biden thẳng thừng xác định Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược ngày càng tăng, là quốc gia duy nhất có ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để đạt được mục tiêu này. Có thể thấy Mỹ dường như đã từ bỏ chính sách ủng hộ sự trỗi dậy, ủng hộ sự tham gia của Trung Quốc vào các thể chế kinh tế quốc tế mà chuyển sang coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh.

Hai nước hiện vẫn đang bất đồng gay gắt trong hàng loạt vấn đề, trong đó nổi lên thời gian qua là vấn đề Đài Loan và Mỹ kiểm soát công nghệ đối với Trung Quốc. Trung Quốc gọi vấn đề Đài Loan là “cốt lõi trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”, nguyên tắc “Một Trung Quốc” là “nền tảng trong các nền tảng chính trị của quan hệ Trung - Mỹ”, do vậy không có chỗ cho việc mặc cả.

Trong khi đó, ngay trước cuộc gặp, Trợ lý Tổng thống Mỹ về các vấn đề an ninh quốc gia Sullivan tuyên bố, Washington sẽ thông báo cho Đài Loan về cuộc gặp giữa nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc, đồng thời tin tưởng rằng chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) sẽ cảm thấy “an toàn và thoải mái”.

Với Trung Quốc, hành động này đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Qua đây, có thể thấy, hai bên rất khó để đạt được những đột phá qua cuộc gặp lần này.

Tuy nhiên, Mỹ - Trung vẫn có khả năng hợp tác trong các lĩnh vực được xác định là có chung lợi ích, ví dụ như biến đổi khí hậu, duy trì ổn định hoặc tìm giải pháp tháo gỡ một số điểm nóng trong một số thời điểm mà hai bên cho là cần thiết, song việc hợp tác này có thể không phải theo hướng tích cực mà là vì lợi ích riêng của mỗi nước, củng cố ảnh hưởng hoặc gia tăng uy tín của mình. Chính vì thế, với cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Mỹ - Trung, kết quả lớn nhất mà hai bên có thể đạt được nhiều khả năng chỉ là giữ cho quan hệ Mỹ - Trung không xấu đi thêm và khó có thể đạt được các kết quả cụ thể để giải quyết căng thẳng.

Bài xã luận đăng ngày 12/11 của tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng, “chưa cần biết hai bên sẽ nói gì tại cuộc gặp sắp diễn ra giữa nguyên thủ Trung Quốc và Mỹ, nhưng chỉ riêng việc các nhà lãnh đạo hai nước ngồi lại với nhau đã phát đi tín hiệu tích cực, giúp giảm bớt căng thẳng hiện nay”.

Bài xã luận cũng bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ không muốn quan hệ với Trung Quốc tiếp tục xấu đi, tới mức không thể khắc phục được. Trung Quốc cũng muốn có mối quan hệ tốt với Mỹ và một môi trường bên ngoài thuận lợi để phục vụ cho sự nghiệp phát triển trong nước. Do vậy, những nhận thức chung này có thể sẽ giúp hai bên đi đến những nhất trí chung về hợp tác trong thời gian tới.

Ngoài ra, theo các chuyên gia Trung Quốc, cuộc gặp gỡ và trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy hai bên đạt được đồng thuận về sự phát triển của quan hệ song phương trong thời gian tới, cũng như duy trì liên lạc, trao đổi và hợp tác giữa các lĩnh vực, bộ ngành hai nước./.

Bích Thuận - Phạm Huân/VOV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận